Không phải iPhone 15, cả thế giới đang nói về chiếc ốp lưng giá 1,5 triệu này từ Apple: Quảng cáo 'mềm như da lộn' nhưng khi mua về 'chỉ muốn vứt đi ngay'

Admin

Loại ốp lưng dùng vật liệu mới từ Apple đã không mang lại hiệu quả như mong đợi.

Khi Apple giới thiệu một loại chất liệu mới để làm ốp điện thoại và dây đeo đồng hồ hồi đầu tháng 9, công ty cho biết đây là một sự thay thế mang tính đột phá cho chất liệu da với “độ bóng tinh tế và cảm giác mềm mại như da lộn”.

Tuy nhiên, người dùng lại không nghĩ như vậy. Loại vải mà Apple gọi là FineWoven nhận nhiều chỉ trích vì dễ trầy xước, ố bẩn – cảm giác cầm lại trơn trượt, gây khó chịu cho nhiều người. Đến lúc này, những nỗ lực nhằm giúp sản phẩm của mình trung hòa carbon hơn đang có nguy cơ trở thành một trong những sai lầm lớn nhất trong năm 2023 của công ty.

Apple mô tả FineWoven là một loại vải dệt hoàn toàn mới được làm từ 68% vật liệu tái chế. Đây là một phần trong nỗ lực loại bỏ chất liệu da trên các sản phẩm của hãng, gồm ốp lưng iPhone, dây đeo Apple Watch.

Không phải iPhone 15, cả thế giới đang nói về chiếc ốp lưng giá 1,5 triệu này từ Apple: Quảng cáo 'mềm như da lộn' nhưng khi mua về 'chỉ muốn vứt đi ngay' - Ảnh 1.

Nhưng FineWoven không vượt qua được rào cản đầu tiên: các tín đồ Apple – những người sẵn sàng bỏ tiền mua sản phẩm sớm nhất dù chưa biết chất lượng của nó ra sao. Federico Viticci, blogger điều hành trang Macstories cho biết “tôi nghĩ đây là một trong những phụ kiện tệ nhất Apple từng sản xuất. Tôi có thể vứt cái này đi ngay bây giờ”.

Một video đánh giá sản phẩm được MobileReviewsEh đăng trên YouTube cho thấy chiếc ốp lưng này dễ dính các vết trầy xước như thế nào. Một blogger khác phàn nàn các lỗ trên ốp không thẳng hàng với cổng trên điện thoại hoặc loa. “FineWoven rất tệ”, trang công nghệ nổi tiếng The Verge đánh giá.

Sản phẩm cũng có mức giá không hề rẻ. Một chiếc ốp lưng FineWoven cho iPhone có giá 59 USD, cao hơn 10 USD so với loại ốp dùng nhựa và silicone mà Apple bán – đồng thời đắt hơn nhiều so với lựa chọn do các nhà sản xuất phụ kiện khác cung cấp.

Một điều trớ trêu là FineWoven lại trở thành một trong những chủ đề gây tranh cãi nhất khi Apple ra mắt iPhone 15, thứ chắc chắn Apple không hề mong muốn.

Trước đây, Apple từng hứng chịu các scandal tương tự khi ra mắt sản phẩm. Năm 2010, ăng-ten của iPhone 4 không thể hoạt động nếu góc dưới bên trái bị che đi. Vị giám đốc chịu trách nhiệm thiết kế phần cứng đã phải rời đi sau các cuộc tranh cãi, được biết đến với cái tên “Antennagate”. Sau đó năm 2014, đến lượt iPhone 6 dễ dàng bị uốn cong.

Với FineWoven, câu hỏi đặt ra là liệu sự phản đối có lớn đến mức buộc Apple phải đưa ra hành động gì đó hay không. “Tôi thực sự thích ý tưởng đằng sau những chiếc ốp lưng FineWoven”, Viticci nói. “Thật không may, ý tưởng với thực tế lại khác xa nhau”.