Không phải tiêu hay cà phê, Chủ tịch Phúc Sinh kiếm 700.000 USD trong tháng qua nhờ 1 thị trường đang thu hút giới nhà giàu Việt và khối ngoại

Admin

Tranh Trần Lưu Hậu 10 năm trước, 1 bức kích cỡ 80x90 cm có giá tương đương 5.000 USD thì giờ đã lên tới 50.000 USD hay 60.000 USD. Thị trường tranh nghệ thuật Việt Nam đang rất tiềm năng.

Được biết đến với danh xưng “vua tiêu” khi vận hành Tập đoàn Phúc Sinh - nhà xuất khẩu tiêu số một Việt Nam, chiếm 8% thị phần xuất khẩu hồ tiêu của thế giới, ông Phan Minh Thông còn là “tay chơi” có thâm niên trên làng tranh nghệ thuật Việt Nam.

Trên thế giới, nghệ thuật tranh triển lãm là “sân chơi” trị giá hàng chục tỷ USD. Tại Việt Nam, những năm trở lại đây với sự hiện diện ngày càng cao trên thương trường quốc tế, sự gia tăng mạnh của tầng lớp thượng lưu…. ngành tranh nghệ thuật cũng đã và đang hoà nhập vào dòng chảy chung.

“Nếu tôi không nhầm thì thị trường tranh nghệ thuật thế giới có giá trị rất lớn, đạt đến 50 tỷ USD. Còn ở Việt Nam thì ngành vẫn còn là ngách đầy hứa hẹn, nhưng hiện đã có giá trị hàng trăm triệu USD”, chia sẻ của ông Thông tại sự kiện mới đây.

Ông Thông tham gia thị trường tranh từ năm 2014, tức 10 năm kinh nghiệm. Dưới quan sát của mình, ông nhận định, những năm gần đây, người ta sưu tập tranh tại Việt Nam tăng nhanh. Một làn sóng doanh nhân, người làm kinh doanh dần yêu thích hội hoạ, ra nước ngoài mua tranh song song với việc sưu tầm trong nước. Chính điều này đã đẩy giá tranh lên rất cao, 8-10 lần.

Sở hữu 700 bức tranh của nhiều hoạ sĩ nổi tiếng, dù bản thân ông Thông sưu tầm vì yêu thích nghệ thuật nhưng giá tăng cao và xu hướng mua tranh nhiều cũng đã giúp Chủ tịch Phúc Sinh thu về 700.000 USD chỉ trong 1 tháng qua.

Giá tranh nghệ thuật đang được đẩy lên cao, mỗi bức tăng 8-10 lần

Có 2 thay đổi nổi bật về thị trường tranh Việt, theo ông Thông:

Thứ nhất, thị trường tranh đang rất sôi động và người mua chủ yếulà người Việt.

Thứ hai, các triển lãm tranh mở ra liên tục.

Ông cho biết, cách đây 10 năm, Việt Nam gần như chưa có bức tranh giá triệu USD, thì giờ có rất nhiều bức đạt đến mức đó và các bức tranh giá vài trăm ngàn USD rất nhiều. Tầng lớp trung lưu, giàu có ở Việt Nam đã cảm được hội họa và trả tiền nhiều để sở hữu.

“Tất cả tranh gần như không giảm giá và tranh đắt tiền thì chỉ có tăng. Càng khủng hoảng càng tăng giá. Tranh như một nơi trú ẩn an toàn để bỏ tiền cất, hay đầu tư”, ông Thông nhấn mạnh.

Trong đó, tranh của các họa sỹ nổi tiếng tăng chóng mặt, nhiều khi các bạn văn phòng nói đùa tranh còn tăng hơn cả bất động sản và cổ phiếu. Trong thời Covid và sau Covid -19, nhiều người đầu tư trên thế giới tìm tới nghệ thuật để trú ẩn, đặc biệt là hội họa. Giá hội họa thế giới tăng chóng mặt và Việt Nam cũng không ngoại lệ. 10 năm trước đây người nước ngoài mua chủ yếu và giá không cao thì giờ các bức hội họa cao giá chủ yếu là người Việt mua.

“Tranh Trần Lưu Hậu 10 năm trước 1 bức kích cỡ 80x90 cm có giá tương đương 5.000 USD thì giờ đã lên tới 50.000 USD hay 60.000 USD những bức tranh đẹp, tăng 10 lần. Hay các bức Thuyền hay bức phong cảnh Sapa kích cỡ 80x110 hay 110x130 cm thì trước nay có giá tương đương từ 8.000 USD hay 10.000 USD, giờ lên giá hơn gấp 10 lần, đạt tới 100.000 USD, thậm chí tương đương 150.000 USD và người mua vẫn sẵn sàng chi trả - toàn nhà sưu tập người Việt Nam”, ông Thông lấy ví dụ cụ thể.

Dù vậy, có những bức tranh nhiều người hỏi mua và trả giá đến 9 tỷ đồng, ông vẫn không bán. Với ông, ông cho biết bản thân sưu tập hội hoạ từ lúc còn vật lộn với kinh doanh. Và tranh với những màu sắc sinh động luôn khiến ông cảm thấy vui vẻ, yêu cuộc sống và thư giãn. Một yếu tố khác theo ông Thông có thể là thừa hưởng gen từ bố mình – cũng là một người thích về hội hoạ.

Không phải tiêu hay cà phê, Chủ tịch Phúc Sinh kiếm 700.000 USD trong tháng qua nhờ 1 thị trường đang thu hút giới nhà giàu Việt và khối ngoại- Ảnh 1.

Ảnh: Ông Thông đang giới thiệu về bức tranh có người trả giá đến 9 tỷ đồng nhưng không bán.

“Với tranh nghệ thuật, tôi sưu tập là chính, chứ nếu bán thì bán hết rồi. Năm nay là năm đầu tiên tôi thấy tranh tăng 10 lần nên mới bán ra.

Xem tranh Trần Lưu Hậu, thấy các mảng màu lớn ông vẽ một cách mạnh mẽ và nhiều màu là các màu cơ bản nhưng khi ông phối, vẽ, trở nên rất đẹp và rất nghệ thuật. Điều này không giống như các họa sỹ đi trước và cả các họa sỹ thế hệ sau”, ông nói.

Loạt nhà đầu tư ngoại tham gia, các “ông lớn” như Sotheby’s, Christie’s, Phillips… thậm chí bổ nhiệm nhân sự tại Việt Nam

Khi đất nước phát triển, điều kiện kinh tế tốt thì văn hóa cũng sẽ phát triển. Nghệ thuật đặc biệt là hội họa sẽ phát triển mạnh mẽ và sẽ được trân trọng. Lúc đó, giá tranh sẽ còn lên cao nữa và Việt Nam sẽ có những họa sỹ mà giá tranh sẽ hòa nhịp với giá tranh họa sỹ thế giới, đạt hàng triệu USD một bức.

Hiện, đã có rất nhiều người nước ngoài như Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines sang mua tranh Việt Nam. Số lượng vẫn không nhiều và giá tranh vẫn không cao so với mỹ thuật ở các quốc gia khác.

Thực tế, thị trường nghệ thuật Việt Nam đã chứng kiến không ít tác phẩm của các danh họa Việt được giao dịch với giá cao trên sàn đấu giá quốc tế. Đơn cử, các “ông lớn” như Sotheby’s, Christie’s, Phillips ngoài việc bán tranh của họa sĩ Việt với giá cao, họ còn bổ nhiệm nhân sự nghiên cứu về nghệ thuật và thị trường Việt Nam.

Câu hỏi đặt ra, là một ngành tiềm năng như vậy, liệu có rào cản khiến các “tay to” chưa tham gia?

Trả lời, ông Thông cho rằng tranh nghệ thuật thì phải có sự yêu thích. Bởi, người có tiền cũng không đầu tư những cái họ không có tình yêu.

Rào cản thứ hai là tài chính. Đúng là người phải có điều kiện tài chính mới có thể tham gia ngành tranh nghệ thuật. Dù vậy, có một thực tế là ngày nay dân văn phòng, dân kinh doanh và thậm chí người làm tài chính cũng bắt đầu mua tranh nhiều hơn. Đây là tín hiệu tốt, bởi sản phẩm này mang giá trị văn hoá rất lớn.