Lời đe dọa trên được đưa ra trong một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ukraine ngày hôm qua (20/7). Kiev cáo buộc Moscow biến Biển Đen thành "khu vực nguy hiểm" đồng thời thề sẽ trả đũa bằng vũ lực đối với bất kỳ tàu nào trong khu vực, kể cả tàu dân sự.
“Bộ Quốc phòng Ukraine cảnh báo rằng từ nửa đêm ngày 21/7 năm 2023, tất cả các tàu đi vào vùng lãnh hải thuộc Biển Đen theo hướng tới các cảng biển của Liên bang Nga… có thể bị Ukraine coi là đang chở hàng hóa quân sự với tất cả các rủi ro liên quan,” thông báo của phía Ukraine cho biết.
Tuyên bố lưu ý rằng một số khu vực ở phía đông bắc Biển Đen, cũng như Eo biển Kerch, cũng sẽ bị “cấm, được coi là vùng nguy hiểm” bắt đầu từ thứ Năm.
Bộ Quốc phòng Ukraine còn nói rằng "số phận của tàu tuần dương 'Moskva'" chứng tỏ rằng nó có các phương tiện chống hạm "cần thiết", ám chỉ một tàu tuần dương tên lửa dẫn đường từng là soái hạm của Hải quân Nga trước khi nó bị đánh chìm vào tháng 4/2022.
Mặc dù Kiev không công khai nhận trách nhiệm về việc tấn công tàu chiến Moskva của Nga nhưng các quan chức Mỹ đã nói với tờ New York Times rằng chiến hạm đó đã bị đánh chìm với sự trợ giúp của tình báo Mỹ. Hải quân Nga cho biết tàu Moskva đã mất tích khi đang được kéo về cảng trong vùng biển có bão, sau khi một vụ nổ kho đạn trên tàu gây hỏa hoạn.
Moscow vẫn chưa phản ứng trước những lời đe dọa mới nhất từ Kiev, nhưng cảnh báo của phía Kiev được đưa ra sau khi các quan chức Nga đưa ra thông báo tương tự đối với các tàu hướng tới các cảng của Ukraine vào đầu tuần này. Tuyên bố một số khu vực trong vùng biển quốc tế là “tạm thời không an toàn”, quân đội Nga cho biết các tàu cố gắng tiếp cận các cảng của Ukraine có thể được coi là “tham gia vào cuộc xung đột Ukraine theo phe của chế độ Kiev”.
Biển Đen là nơi có một kho cảng dầu lớn của Nga, một trung tâm xuất khẩu lớn các sản phẩm dầu mỏ tinh chế và các cảng chính cho than, phân bón và ngũ cốc. Các tuyến đường thủy của nó có lưu lượng lớn hoạt động đi lại của các tàu chở hàng, với dữ liệu theo dõi được Bloomberg trích dẫn cho thấy 28 tàu chở dầu hiện đang ở trong khu vực.
Trên thực tế, việc Moscow đưa ra các hạn chế mới nói trên trên thực tế là hành động tái áp đặt trở lại lệnh phong tỏa hải quân của Nga đối với Ukraine. Trước đó, lệnh phong tỏa được dỡ bỏ theo cái gọi là thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen vào tháng 7 năm 2022. Thỏa thuận, được ký kết với sự trung gian của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, cho phép vận chuyển ngũ cốc Ukraine an toàn qua các hành lang ở Biển Đen trong bối cảnh xung đột giữa Moscow và Kiev. Moscow đã rút khỏi thỏa thuận vào thứ Hai đầu tuần (17/7), với lý do phương Tây không giữ bất kỳ lời hứa nào với Nga theo thỏa thuận, bao gồm cả việc cho phép tái xuất khẩu ngũ cốc và phân bón từ nước này.
Phương Tây đang tìm cách để Nga quay trở lại thực hiện thỏa thuận ngũ cốc. Nhiều cảnh báo được đưa ra về việc thỏa thuận ngũ cốc đổ vỡ sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng lương thực.