Kyrgyzstan bắt đầu kiểm tra xuất khẩu sang Nga để tránh bị Mỹ trừng phạt

Admin

Kyrgyzstan được Mỹ chọn làm mục tiêu thử nghiệm trừng phạt liên quan đến Nga nhằm cảnh báo Uzbekistan và Kazakhstan.

Kyrgyzstan bắt đầu kiểm tra xuất khẩu sang Nga để tránh bị Mỹ trừng phạt - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin với Tổng thống Kasym-Jomart Tokayev của Kazakhstan và Sadyr Zhaparov của Kyrgyzstan. Ảnh: TASS

Theo tờ Vedomosti (Nga) ngày 21/7, để đối phó với các mối đe dọa của Mỹ về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và công ty của Kyrgyzstan nhằm ngăn chặn dòng hàng hóa công dụng kép đến Nga, Ủy ban An ninh Quốc gia của Kyrgyzstan đã cam kết sẽ tiến hành điều tra để phát hiện ra những cá nhân và tổ chức như vậy.

Trước đó ngày 20/7, Mỹ thông báo sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt lên Kyrgyzstan khi Washington tăng cường nhắm mục tiêu vào các nước thứ ba ở "sân sau" của Nga được cho là đang tạo điều kiện liên quan đến việc tái xuất khẩu một lượng đáng kể hàng hóa bị trừng phạt nhằm cung cấp cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga để sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Washington cũng đã áp đặt các hạn chế đối với một số công ty thuộc khối CIS (Cộng đồng các quốc gia độc lập) vì tìm cách lách các biện pháp kiểm soát xuất khẩu. Tháng 4 năm nay, một công ty của Armenia và hai công ty của Uzbekistan đã bị áp đặt lệnh trừng phạt.

Các nhà ngoại giao Mỹ và EU đã dành nhiều tháng để vận động chính quyền Kyrgyzstan thực hiện những biện pháp cứng rắn đối với hoạt động thương mại mà họ cho là "mờ ám" sang Nga, nhưng tác động của cách tiếp cận đó dường như là rất nhỏ, do đó Washington hiện đã chuyển sang biện pháp trừng phạt.

Ngày 20/7, Bộ Tài chính Mỹ đã liệt kê 18 cá nhân và hơn 120 tổ chức có trụ sở tại Kyrgyzstan và Nga có thể bị trừng phạt liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Hầu hết các công ty Nga nhận hàng hóa từ Kyrgyzstan cũng cung cấp cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga, một quan chức Mỹ cho biết.

Bất chấp những nghi ngờ xung quanh việc vi phạm lệnh trừng phạt, tổng khối lượng xuất khẩu của Kyrgyzstan sang Nga đã chứng kiến ​​mức tăng đáng kể 145% vào năm 2022 so với năm trước, theo dữ liệu hải quan Kyrgyzstan. Sự gia tăng thương mại giữa hai nước đã thu hút sự chú ý của phương Tây đến các kẽ hở thương mại có thể bị khai thác để lách lệnh trừng phạt.

Phản ứng trước động thái này, các quan chức Kyrgyzstan bác bỏ thông tin cho rằng họ đang giúp Moskva lách lệnh trừng phạt, nhưng không loại trừ khả năng các công ty tư nhân ở Kyrgyzstan đã tham gia vào việc vận chuyển các mặt hàng “công dụng kép” tới Nga, do các nhà thầu dân sự đặt hàng nhưng có thể chuyển hướng sang các nhà sản xuất hàng quân sự.

Cụ thể, Ủy ban An ninh của Kyrgyzstan nói rằng "chính quyền Kyrgyzstan cũng như bất kỳ tổ chức và công ty nhà nước nào đều không liên quan đến việc vi phạm các biện pháp trừng phạt do Mỹ và các nước phương Tây áp đặt đối với Nga”, nhưng thừa nhận "có thể có sự tham gia của các công ty tư nhân".

Ủy ban trên thông báo thêm rằng Kyrgyzstan đã tiến hành một cuộc điều tra “nhằm thiết lập và ngăn chặn các hoạt động như vậy [nhằm lách các biện pháp trừng phạt]”. Trong khi đó, Thủ tướng Kyrgyzstan Akylbek Japarov cam kết sẽ áp dụng các biện pháp “để hàng hóa bị trừng phạt không đi qua biên giới của nước này và xa hơn nữa là không đi đến nơi có lệnh trừng phạt”.

Các thực thể mới bị Washington trừng phạt bao gồm một số có trụ sở tại Kyrgyzstan mà Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc đã hoạt động với tư cách trung gian cung cấp các thiết bị điện tử và công nghệ do nước ngoài sản xuất cho Nga.

Bình luận với tờ Vedomosti, nhà phân tích chính trị người Kyrgyzstan Mars Sariev cho rằng, động thái trên của Kyrgyzstan rõ ràng là kết quả của việc chính quyền Mỹ gây áp lực lên Bishkek. Chuyên gia này lưu ý Kyrgyzstan được (Mỹ) chọn làm mục tiêu thử nghiệm trong nỗ lực cảnh báo các nước khác trong khu vực như Uzbekistan và Kazakhstan. Theo chuyên gia Sariev, vào tháng 3 và tháng 4 vừa qua, các phái đoàn của Mỹ, EU và Anh đã đến thủ đô Kyrgyzstan nhằm thuyết phục chính quyền nước này thắt chặt kiểm soát xuất khẩu, nhưng các chuyến thăm đó không mang lại kết quả như họ mong muốn.

"Tôi cho rằng trong tương lai gần, Kyrgyzstan sẽ công khai trừng phạt một số công ty tư nhân và hạn chế cung cấp một số mặt hàng nhạy cảm cho Nga. Tuy nhiên, vấn đề sẽ chỉ giới hạn ở đây và Bishkek sẽ tiếp tục quan hệ thương mại và kinh tế với Moskva", nhà phân tích trên nói.

Về phần mình, Vladimir Matyagin, Chủ tịch của Gruzavtotrans, một hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ quốc gia, nhận định việc Kyrgyzstan rút một phần khỏi chuỗi cung ứng lưỡng dụng sẽ không có bất kỳ tác động đáng kể nào đối với nền kinh tế Nga.