Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là Nhà thầu xây dựng uy tín nhất Việt Nam năm 2022 do Vietnam Report công bố. Trước đó, vào năm 2020 Hòa Bình cũng đã được vinh danh đầu bảng xếp hạng này.
Mới đây, Hòa Bình đã công bố Báo cáo thường niên 2022. Theo đó, năm 2022, doanh thu công ty đạt 14.154 tỷ đồng, lần đầu tiên Hòa Bình có kết quả kinh doanh có lợi nhuận âm và âm lên đến 2.572 tỷ đồng. Riêng phần trích lập dự phòng cho các khoản nợ phải thu lên đến trên 2.059 tỷ đồng.
Tổng giá trị trúng thầu năm 2022 đạt 15.885 tỷ đồng, đạt 79,42 % so với kế hoạch đề ra; bằng 95 % so với cùng kỳ năm 2021. Giá trị hợp đồng ký mới trong năm 2022 tại khu vực miền Nam đạt 10.873 tỷ đồng, khu vực miền Bắc đạt 1.817 tỷ đồng, khu vực miền Trung đạt 710 tỷ đồng và riêng Phú Quốc đạt 2.484 tỷ đồng. Giá trị trúng thầu mảng xây dựng dân dụng chiếm 100% tổng giá trị trúng thầu năm 2022.
Trong năm 2022, Hòa Bình đã ký kết hợp tác chiến lược với các tập đoàn, công ty phát triển bất động sản hàng đầu tại Việt Nam. Top 10 các chủ đầu tư Hòa Bình trúng thầu/được chỉ định thầu nhiều nhất trong năm bao gồm: Novaland, Sungroup, Gamuda Group, Keppel Land – Phú Long, Vingroup, DHA Group, Tân Á Đại Thành, Hưng Lộc Phát, Tập đoàn Kim Oanh, Đại Hoàng Long Trung Yên.
Về cơ cấu lao động, trong năm 2021 - 2022, do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 và những biến động khó lường từ nền kinh tế và cụ thể là thị trường bất động sản, Hòa Bình đã “sắp xếp bố trí lại nhân sự, tinh gọn bộ máy”.
Nhân sự quản lý, đội ngũ cán bộ công nhân viên toàn Tập đoàn trực tiếp trả lương trong năm 2022 là 4.454 lao động tăng 2% so với năm 2021. Biến động nhân sự tăng đáp ứng nhu cầu triển khai thi công các dự án trong năm.
Nhân sự gián tiếp khối công trường tăng 9,7% so với năm 2021 do các dự án mới được khởi công đồng loạt vào đầu năm 2022, đặc biệt là các dự án thấp tầng, biệt thự.
Nhân sự gián tiếp khối văn phòng tăng 6,3% so với năm 2021 nhằm đáp ứng cơ cấu tổ chức các phòng ban chức năng từ thời điểm tái cấu trúc đầu năm 2021.
Nhóm bán gián tiếp – công nhân cơ hữu giảm 8,2% so với năm 2021 do có sự dịch chuyển và thay đổi mô hình công tác quản lý lực lượng lao động trực tiếp sang công tác khoán gọn cho thầu phụ thực hiện.
Tỉ lệ nhân sự thôi việc bình quân năm 2022 tăng so với năm 2021. Tổng số nhân sự gián tiếp thôi việc là 979 người chiếm 22%, tăng gấp đôi so với năm 2021 là 11%. Tổng chung trong năm 2022, Hòa Bình tuyển dụng mới 1.260 nhân sự, và có 991 nhân sự thôi việc.
Năm 2022, Tập đoàn khôi phục hoạt động kinh doanh chuẩn bị sẵn sàng tăng cường nguồn nhân lực để nhanh chóng quay lại thị trường xây dựng sau đại dịch Covid. Tuy nhiên số lượng, tỉ lệ nhân sự thôi việc trong năm 2022 tăng đồng thời theo sự gia tăng của lực lượng lao động gián tiếp.
Nguyên nhân là do ảnh hưởng một số yếu tố về chất lượng đầu vào của nhân sự tuyển mới cho các dự án như đa số nhân sự thuộc thế hệ gen Z mới ra trường chưa chịu được áp lực công việc cao, khả năng thích ứng và linh hoạt trong công việc còn hạn chế hoặc tính cạnh tranh và thu hút nhân sự có năng lực và kinh nghiệm khốc liệt giữa các nhà thầu, các chủ đầu tư cũng triển khai hàng loạt dự án lớn, cần huy động nhiều nhân sự, các dự án cuối năm ngừng thi công vì tình hình siết chặt bất động sản…
Về thu nhập bình quân của nhân viên năm 2022 tại tập đoàn tăng 12% so với năm 2021 và tăng gần 29% so với năm 2020. Cụ thể, trong năm 2020, các nhân sự làm việc tại tập đoàn có thu nhập trung bình là 17,64 triệu đồng/tháng. Sang đến năm 2021, số tiền đã tăng lên 20,45 triệu đồng và đạt 22,95 triệu đồng trong năm 2022.
Trong năm, Hòa Bình cũng thực hiện điều chỉnh lương toàn thể cán bộ nhân viên khối gián tiếp trong năm 2022 sau thời gian gián đoạn do ảnh hưởng dịch Covid-19 trong hai năm 2020 và 2021. Chính sách điều chỉnh lương tăng quỹ tiền lương toàn Tập đoàn thêm 6%.
Công tác điều chỉnh lương giúp bù đắp tỉ lệ trượt giá hằng năm. Đồng thời cân đối mức lương theo đúng vị trí chức danh, năng lực công việc và đảm bảo mức lương cạnh tranh với thị trường lao động.