Lệnh cấm tin tức của chủ sở hữu Facebook gây ra làn sóng giận dữ trong bối cảnh cháy rừng ở Canada

Admin

Sự bế tắc về luật ở Canada có thể sẽ khiến các cơ quan truyền thông phải suy nghĩ lại về việc phụ thuộc vào các nền tảng truyền thông xã hội.

Lệnh cấm tin tức của chủ sở hữu Facebook gây ra làn sóng giận dữ trong bối cảnh cháy rừng ở Canada - Ảnh 1.

Việc tiếp cận thông tin đáng tin cậy là rất quan trọng trong quá trình sơ tán cháy rừng hồi đầu tháng này ở vùng Tây Bắc của Canada. Ảnh: Reuters

Theo tờ Al Jazeera, khi hỏa hoạn bùng phát ở vùng Tây Bắc rộng lớn của Canada hồi đầu tháng này, các quan chức nước này đã vội vã sơ tán hàng chục nghìn người trước khi ngọn lửa có thể lan tới thủ phủ Yellowknife.

Thời hạn sơ tán trên toàn thành phố đã đến và việc đảm bảo người dân có thể tiếp cận thông tin chính xác về các chuyến bay khẩn cấp, tình trạng cấm đường và nơi trú ẩn tạm thời thực sự là vấn đề sinh tử.

Tuy nhiên, bất chấp lời đề nghị từ các chính trị gia và nhà báo, Meta – chủ sở hữu các nền tảng truyền thông xã hội nổi tiếng Facebook và Instagram – đã từ chối dỡ bỏ lệnh cấm tin tức ở Canada, gây ra làn sóng phẫn nộ trên toàn Canada - quốc gia có hơn 40 triệu người.

Ollie Williams - biên tập viên của Cabin Radio có trụ sở tại Yellowknife - nói với Al Jazeera: “Lệnh cấm vẫn là một điều ngốc nghếch và nguy hiểm.”

Williams nói rằng, mặc dù mọi người có thể tìm cách lách lệnh cấm và tiếp cận tin tức, nhưng trong thời kỳ đỉnh điểm của vụ cháy rừng, chính sách của Meta vẫn không thể chấp nhận được.

Đạo luật Tin tức Trực tuyến

Theo Al Jazeera, vào tháng 6, Quốc hội Canada đã thông qua Đạo luật Tin tức Trực tuyến, yêu cầu các công ty truyền thông xã hội chia sẻ doanh thu với các cơ quan truyền thông chia sẻ nội dung của họ trên các nền tảng.

Chính phủ Canada cho biết, đạo luật này là một phần trong nỗ lực giúp đỡ ngành truyền thông nước này đang gặp khó khăn, và sẽ không có hiệu lực cho đến cuối năm nay. Đạo luật kêu gọi các thỏa thuận thương mại tự nguyện giữa các nền tảng kỹ thuật số lớn – chẳng hạn như Facebook và Google – với các cơ quan báo chí, nhưng cho phép Ottawa can thiệp nếu không đạt được các thỏa thuận đó.

Tuy nhiên, các nền tảng kỹ thuật số đã phản ứng mạnh mẽ với đạo luật này, trong đó Google gọi đó là “thuế liên kết” và đe dọa sẽ ngừng đưa các trang web tin tức của Canada vào công cụ tìm kiếm của mình và các nền tảng khác khi luật có hiệu lực.

Meta đã tiến một bước xa hơn khi áp đặt lệnh cấm tin tức ở Canada bắt đầu từ ngày 1/8, ngăn chặn người dùng Facebook và Instagram ở Canada xem các tin tức hoặc tự đăng liên kết lên hai nền tảng này.

Meta cho biết trong một tuyên bố vào tháng 6: “Luật dựa trên tiền đề không chính xác rằng Meta được hưởng lợi không công bằng từ nội dung tin tức được chia sẻ trên nền tảng của chúng tôi, trong khi điều ngược lại mới là đúng.”

Chính phủ Canada đã chỉ trích quan điểm của Meta và Thủ tướng Justin Trudeau gần đây đã nói rằng, quyết định duy trì lệnh cấm trong các cuộc sơ tán cháy rừng ở Yellowknife là “không thể tưởng tượng được”.

“Facebook đang đặt lợi nhuận doanh nghiệp lên trên sự an toàn của mọi người”, ông Trudeau cho biết vào tuần trước.

Theo Al Jazeera, những người ủng hộ đạo luật cũng cho biết, nó nhằm mục đích điều chỉnh mối quan hệ sai lệch giữa các hãng tin tức và các trang web truyền thông xã hội, nơi các nhà báo làm việc chăm chỉ nhưng các nền tảng lớn lại nhận được phần lớn quảng cáo kỹ thuật số.

Chính phủ Canada báo cáo rằng, hơn 450 cơ quan báo chí đã đóng cửa trên khắp nước này trong 15 năm qua, trong khi ít nhất 1/3 số việc làm báo chí đã biến mất kể từ năm 2010.

Dwayne Winseck - giáo sư nghiên cứu truyền thông tại Đại học Carleton ở Ottawa - nói với Al Jazeera rằng: “Khi Meta và Google đang củng cố quyền kiểm soát của họ đối với quảng cáo trực tuyến cũng như việc phân phối và chia sẻ tin tức trực tuyến, các nhà báo và báo chí đang trải qua một cuộc khủng hoảng.”

Lệnh cấm tin tức của chủ sở hữu Facebook gây ra làn sóng giận dữ trong bối cảnh cháy rừng ở Canada - Ảnh 2.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã gọi lệnh cấm tin tức của Meta là ‘không thể tưởng tượng được’. Ảnh: Reuters

Meta phản hồi

Để giải quyết các phàn nàn trong vụ cháy rừng gần đây ở Canada, Meta đã cho ra mắt dấu hiệu “Kiểm tra an toàn” trên Facebook, cho phép mọi người tự đánh dấu mình là “an toàn” trong các trường hợp khẩn cấp thông qua một trang với tên gọi “Ứng phó khủng hoảng” và có thể yêu cầu hỗ trợ nếu cần.

Người phát ngôn của Meta đã nói với Al Jazeera trong một email trong tháng này rằng, hệ thống “Kiểm tra an toàn” cũng cho phép người dùng Facebook “cập nhật thông tin từ các nguồn có uy tín” trong thời điểm khủng hoảng.

“Người dân ở Canada có thể tiếp tục sử dụng công nghệ của chúng tôi để kết nối với cộng đồng của họ và truy cập thông tin có uy tín, bao gồm cả nội dung từ các cơ quan chính phủ, các dịch vụ khẩn cấp và các tổ chức phi chính phủ”, người phát ngôn cho biết.

Tuy nhiên, theo Al Jazeera, trang “Ứng phó khủng hoảng” của Facebook đối với các vụ cháy rừng ở vùng Tây Bắc của Canada chủ yếu chứa nội dung video, bao gồm cả từ các hãng tin ít người biết đến và không phải của nước này.

Và các nhà phê bình cho rằng, vụ cháy rừng ở Yellowknife và các khu vực khác của Canada đã nêu bật lập trường không khoan nhượng của Meta. Brent Jolly - Chủ tịch Hiệp hội Nhà báo Canada (CAJ) - cho biết “sự ngoan cố” của Meta phản ánh điều không tốt về công ty.

Jolly nói với Al Jazeera: “Đối với tôi, điều đó chắc chắn nói lên rất nhiều điều về cam kết của họ trong việc phổ biến thông tin chất lượng [và] phục vụ người dùng của họ.”

Về phần mình, Williams tại Cabin Radio cho biết, ông đã cố gắng liên hệ với Meta nhưng chưa nhận được phản hồi.

Lệnh cấm có thể dẫn đến sự trỗi dậy của thông tin sai lệch

Thật khó để đánh giá đầy đủ quyết định của Meta ảnh hưởng như thế nào đến nỗ lực sơ tán cháy rừng.

Nhưng Winseck cho biết, việc không xem được tin tức sẽ làm gián đoạn “chuỗi luồng thông tin” trong cộng đồng vì mọi người bị cắt đứt khỏi những người trong vòng kết nối xã hội của họ, những người mà họ tin tưởng để đăng tin tức và nhận thông tin đáng tin cậy.

Emilia King - trợ lý giáo sư về nghiên cứu truyền thông và phương tiện kỹ thuật số tại Đại học Công nghệ Ontario - cảnh báo rằng, lệnh cấm cũng có thể dẫn đến sự trỗi dậy của thông tin sai lệch trực tuyến – một vấn đề mà Canada và nhiều quốc gia khác đang phải đối mặt.

“Chúng ta đã quen với những nền tảng này gần như thể chúng là những tiện ích công cộng. Nhưng rõ ràng là không phải vậy. Họ là những công ty tư nhân. Họ đã hết lần này đến lần khác chứng minh rằng họ đặt lợi ích của mình lên hàng đầu”, bà nói.

Một số chuyên gia cho biết, Meta đang vạch ra một ranh giới để đảm bảo rằng, các quốc gia khác không làm theo và cố gắng điều chỉnh nền tảng này. “Nó giống như phục vụ tỏi cho ma cà rồng vậy”, King nói về ác cảm của các công ty truyền thông xã hội đối với các quy định của chính phủ.