Licogi, Vicem, Viwaseen bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra loạt thiếu sót khi tính giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa

Admin

Các doanh nghiệp nêu trên đã xác định giá trị thương mại, chi phí cơ hội của doanh nghiệp chưa đầy đủ, chính xác với tổng số tiền tạm tính là 1.879 tỷ đồng.

Theo kết luận thanh tra về cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng vừa ban hành, Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết, khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), Tổng Công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng (Licogi), Tổng Công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen) đã xác định giá trị lợi thế thương mại, chi phí cơ hội của doanh nghiệp chưa đầy đủ, chính xác với tổng số tiền tạm tính là 1.879 tỷ đồng.

Cụ thể, Theo kết luận, tổng công ty Licogi chưa xác định chính xác chi phí cơ hội đối với quyền phát triển án Khu đô thị mới Thịnh Liệt trong xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Tại thời điểm thanh tra (năm 2019), dự án đang trong giai đoạn thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng.

Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt được UBND TP Hà Nội có quyết định giao cho Tổng công ty Licogi làm chủ đầu vào 12/2003 và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bằng văn bản vào 4/2005.

Ngày 25/9/2014, Tổng Công ty Licogi đang là doanh nghiệp Nhà nước đã ký hợp đồng nguyên tắc hợp tác kinh phí xây dựng Khu đô thị mới Thịnh Liệt với Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh bất động sản Khu Đông.

Hợp đồng nguyên tắc trên đã xác định và thống nhất về tổng giá trị chi phí cơ hội được tính trên tổng diện tích đất được phép kinh doanh của toàn dự án và không thấp hơn số tiền 348,8 tỷ đồng.

Sau khi ký hợp đồng, Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh bất động sản Khu Đông đã chuyển cho Tổng công ty Licogi 60 tỷ đồng để đặt cọc thực hiện hợp đồng.

Tuy nhiên, trên cơ sở chỉ đạo của Phó Thủ tướng và văn bản của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn phương pháp tính và thuê tư vấn thực hiện, ngày 27/6/2019 Tổng công ty Licogi ký hợp đồng với Công ty cổ phần thẩm định giá và đầu tư VIC (VIC) để xác định lại giá trị chi phí cơ hội đối với Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt tại 2 thời điểm.

Kết quả thẩm định đều có giá trị thấp hơn so với giá trị hợp đồng đã ký giữa Tổng công ty Licogi và Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh bất động sản Khu Đông.

Trách nhiệm của Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh bất động sản Khu Đông, tương đương với 45% tỷ lệ hợp tác kinh doanh, tổng số tiền phải nộp là 156,9 tỷ đồng (số đã tạm ứng chuyển Tổng công ty là 60 tỷ đồng, số còn phải nộp là 96,9 triệu đồng); phần trách nhiệm của Tổng Công ty Licogi tương đương với 55% tỷ lệ hợp tác kinh doanh, số tiền phải nộp là 191,8 tỷ đồng. Tổng công ty Licogi - CTCP có trách nhiệm thực hiện thu nộp số tiền 348,8 tỷ đồng vào Ngân sách theo quy định.

Tại Tổng công ty Viwaseen, việc xác định giá trị lợi thế thương mại đối với quyền được phát triển Dự án Khu đô thị An Thịnh 6 trong xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa chưa chính xác. Thời điểm thanh tra (năm 2019), dự án chưa có quyết định giao đất, chưa được phê duyệt quy hoạch 1/500…

Cụ thể, theo báo cáo của Tổng công ty Viwaseen, năm 2008 liên danh giữa Tổng công ty Viwaseen và Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng DAF (do Viwaseen là đại diện ủy quyền) được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt chủ trương, giao cho liên danh làm chủ đầu tư để lập quy hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện Dự án Khu đô thị An Thịnh 6.

Năm 2009, Liên danh (Tổng Công ty Viwaseen và DAF) ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Đông Dương để thực hiện các thủ tục liên quan đến dự án. Tuy nhiên, đến tháng 8/2016, Tổng Công ty Viwaseen (là đại diện ủy quyền của liên danh) chấm dứt hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Đông Dương do các cổ đông không thực hiện góp vốn điều lệ theo cam kết.

Ngày 9/11/2016, Tổng công ty Viwaseen ký hợp đồng liên danh hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Hồ Gươm để thực hiện dự án. Sau đó, Tổng Công ty Viwaseen và DAF ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ quyền được góp vốn ban đầu của liên danh cho Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Hồ Gươm (TCT Viwaseen và DAF không tiếp tục tham gia dự án).

Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Hồ Gươm đã thống nhất và thanh toán, trả cho Tổng công ty Viwaseen và DAF số tiền là 45 tỷ đồng (khoản chi phí thỏa thuận về giá trị lợi thế thương mại đối với quyền được phát triển dự án Khu đô thị An Thịnh 6).

Tổng công ty Viwaseen - CTCP và DAF đã thực hiện phân chia theo tỷ lệ cam kết ban đầu, theo đó, Tổng công ty Viwaseen - CTCP đã nhận được 23,8 tỷ đồng nhưng chưa được xử lý theo quy định.

Như vậy, theo Thanh tra Chính phủ, khoản tiền mà Tổng Công ty Viwaseen - CTCP đã nhận được (23,8 tỷ đồng) là khoản tiền về giá trị lợi thế thương mại phát sinh từ việc tổng công ty  Viwaseen và DAF chuyển nhượng quyền được phát triển dự án Khu đô thị An Thịnh 6 thông qua hoạt động hợp tác đầu tư ban đầu (được hình thành từ giai đoạn doanh nghiệp Nhà nước) cho Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Hồ Gươm. Vì vậy khoản tiền 23,8 tỷ đồng phải được thu hồi nộp ngân sách theo quy định.

Tại Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), dù chưa hoàn thành cổ phần hóa, tuy nhiên qua kiểm tra cho thấy tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp (1/10/2018), các công ty con 100% vốn Nhà nước thuộc Tổng Công ty Vicem (Vicem Hoàng Thạch; Vicem Hải Phòng; Vicem Tam Điệp) đang sử dụng 9 giấy phép khai thác khoáng sản là đá vôi, đất sét để sản xuất xi măng. Nhưng, đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp là Công ty TNHH kiểm toán AASC (Công ty AASC) đã không tính giá trị lợi thế thương mại đối với quyền được khai thác khoáng sản tại các mỏ này.

Theo yêu cầu của Đoàn thanh tra và Bộ Xây dựng, Tổng Công ty Vicem đã thuê tư vấn định giá để xác định giá trị lợi thế thương mại về quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ theo giấy phép nêu trên. Ngày 1/12/2019, Công ty AASC có Chứng thư xác định tổng giá trị thương mại về quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ tại 3 đơn vị nêu trên là 1.507 tỷ đồng (trong đó: Vicem Hoàng Thạch là 638,3 tỷ đồng; Vicem Hải Phòng 523,6 tỷ đồng: Vicem Tam Điệp 344,4 tỷ đồng).

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, việc Công ty AASC, Tổng Công ty Vicem không tính giá trị lợi thế thương mại đối với quyền được khai thác khoáng sản tại các mỏ trên với tổng số tiền tạm tính là 1.507 tỷ đồng là không đúng với quy định của Chính phủ về việc xử lý tài chính khi cổ phần hóa.

Do vậy, việc giá trị lợi thế thương mại phải được rà soát, xác định lại để đảm bảo chính xác, đầy đủ giá trị quyền khai thác khoáng sản theo giấy phép và phải được ghi nhận vào phần vốn Nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty Vicem.