Lộ loạt vi phạm về cung ứng điện của EVN

Admin

Kết luận thanh tra về cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, đằng sau những vấn đề liên quan vận hành thủy - nhiệt điện và dự báo nhu cầu tiêu thụ chưa sát thực tế của EVN, có 4 cục, vụ của Bộ Công Thương chưa làm tròn trách nhiệm giám sát. Lãnh đạo các đơn vị này sẽ phải kiểm điểm, bị xử lý kỷ luật nếu có vi phạm.

Ai chịu trách nhiệm khi để miền Bắc thiếu điện?

Kết luận thanh tra của Bộ Công Thương cho thấy, việc quản lý, vận hành cung cấp điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đơn vị liên quan tại cả hai nguồn chính của miền Bắc là thủy điện và nhiệt điện đều bất cập.

Theo kết luận thanh tra, việc EVN chỉ đạo định hướng hạ mực nước các hồ thuỷ điện cuối năm 2022 và đầu năm 2023 (thủy điện chiếm khoảng 29% cơ cấu nguồn) đã gây ảnh hưởng tới điều tiết nước cho phát điện mùa khô 2023. Việc vận hành này được đánh giá chưa sát thực tế thủy văn khi dự báo lưu lượng nước về giảm 20-40% so với trung bình nhiều năm.

Lộ loạt vi phạm về cung ứng điện của EVN - Ảnh 1.

Thuỷ điện cạn nước do điều hành của EVN và thiếu sự giám sát của các đơn vị thuộc Bộ Công Thương. Ảnh: Nguyễn Bằng

Báo cáo của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho thấy, đến cuối 2022, sản lượng điện huy động từ nguồn này đạt gần 13 tỷ kWh, giảm 2,1 tỷ kWh so với mức nước dâng bình thường và thấp hơn 1,5 tỷ kWh kế hoạch 2022. Trong đó, miền Bắc thiếu 1,26 tỷ kWh.

Kiểm tra cho thấy, tháng 3/2023, sản lượng các hồ thấp hơn 563 triệu kWh so với kế hoạch năm. Con số thiếu hụt tăng lên 765 triệu kWh vào tháng 4 do nước về giảm mạnh. Tuy nhiên, các nhà máy thủy điện vẫn được phát điện ở mức cao trong các tháng 3-5/2023, dẫn tới hầu hết hồ miền Bắc, một số hồ miền Trung và Nam không đảm bảo mực nước theo kế hoạch.

Chậm đầu tư xây dựng các dự án nguồn điện

Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, việc chậm trễ đầu tư xây dựng các nguồn điện là một trong những lý do quan trọng nhất khiến miền Bắc trải qua thiếu điện trong thời gian vừa qua. Việc thực hiện dự án nguồn điện và lưới điện không đảm bảo tiến độ theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã duyệt thuộc trách nhiệm của EVN, các Ban Quản lý dự án điện 1, 2, 3, EVNNPT, GENCO3 và 5 tổng công ty điện lực trực thuộc EVN.

Cùng với đó, việc không huy động các nguồn điện than lớn ở miền Nam (Duyên Hải 2, Duyên Hải 3 và 3 mở rộng) trong thời gian đầu tháng 4 khi các diễn biến vận hành hệ thống điện biến động nhanh, dẫn tới các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu phía Bắc phải khai thác bổ sung, gây sức ép lên hệ thống và khiến thủy điện cạn kiệt nước nhanh hơn.

“Sản lượng điện của Nhà máy thủy điện Sơn La (công suất 2.400 MW) trung bình trong nửa đầu tháng 4 là gần 28,4 triệu kWh, ngày cao nhất xấp xỉ 42 triệu kWh. Nhà máy này tiếp tục được huy động trong trung tuần tháng 7, bình quân hơn 37 triệu kWh/ngày, khiến nước hồ giảm nhanh, tới 28/4 là 188 m, cách mực nước chết (ngưỡng phát an toàn) 13 m”, Bộ Công Thương cho hay.

Cũng theo bộ này, nhiều thời điểm vận hành trong tháng 5 và 6, tổng công suất có khả năng huy động của hệ thống miền Bắc chỉ hơn 17.000 MW, không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng, dẫn tới phải cắt điện ở các địa phương.

“EVN chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong lập kế hoạch, phương án đảm bảo cung cấp điện mùa khô 2023. A0 chưa tuân thủ đầy đủ quy định về lập lịch, huy động, điều tiết các nguồn điện. Việc A0 chậm trễ trong ra lệnh điều độ, huy động nguồn điện, triển khai các giải pháp khẩn cấp trong điều kiện diễn biến phụ tải, thủy văn thay đổi nhanh, gây ảnh hưởng cung ứng điện cho miền Bắc”, kết luận thanh tra nêu rõ.

4 cục, vụ chức năng của Bộ Công Thương phải kiểm điểm

Nguyên nhân dẫn đến thiếu điện cũng được đoàn thanh tra Bộ Công Thương chỉ rõ xuất phát từ việc nhiệt điện (nguồn chiếm hơn 32% cơ cấu và cung ứng gần một nửa sản lượng cả nước, trong đó có miền Bắc) cũng gặp những đứt gãy khi tồn kho nhiên liệu của nhiều nhà máy ở mức thấp. Trong khi phần lớn các nhà máy thiếu than thuộc quản lý của EVN.

“Các chủ đầu tư nhà máy chưa chấp hành nghiêm quy định của EVN về định mức than tồn kho, ảnh hưởng tới đảm bảo dự phòng vận hành nhà máy ổn định, an toàn, thông qua thiếu than cho sản xuất điện ở một số thời điểm năm 2022 và những tháng đầu năm 2023”, kết luận thanh tra nêu.

Với điện khí (chiếm hơn 9% cơ cấu nguồn điện), kết luận thanh tra cho biết, năm 2021-2022 và quý I/2023, khả năng cấp khí tại khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ đáp ứng nhu cầu vận hành thực tế các nhà máy.

Tuy nhiên, từ tháng 4 đến 5/2023, việc cấp khí không đủ nhu cầu nâng công suất tối đa các nhà máy tại cùng khung giờ cần huy động cao (16h hôm trước đến 7h sáng hôm sau) khi điện mặt trời, gió không thể phát.

Kết luận thanh tra cũng chỉ ra dự báo nhu cầu sử dụng điện chưa sát thực tế. A0 đã dự báo phụ tải cho hệ thống điện cả nước, 3 miền năm 2021-2022 và 5 tháng đầu năm 2023 đúng quy định nhưng “chưa sát thực tế” với diễn biến nhu cầu sử dụng, thủy văn thay đổi. Cụ thể, tháng 1 dự báo chênh thực tế 7,6%; tháng 2 là 4% và tháng 4 hơn 5% do nắng nóng sớm và kéo dài.

Thanh tra Bộ Công Thương cho rằng, EVN chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong lập kế hoạch, phương án đảm bảo cung cấp điện mùa khô 2023. Tập đoàn này và A0 chưa tuân thủ đầy đủ quy định về lập lịch, huy động, điều tiết các nguồn điện.

Đáng chú ý, bên cạnh những vấn đề của EVN, việc cung ứng than, khí của PVN, TKV cũng được thanh tra nhắc đến. Cùng với đó, bản thân các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Công Thương cũng chưa làm tròn trách nhiệm giám sát, kiểm tra và đây cũng là một phần nguyên nhân để xảy ra tình trạng thiếu điện.

“Trách nhiệm thuộc về Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp và Vụ Dầu khí, than”, kết luận thanh tra nêu rõ. Các cục, vụ trên căn cứ kết luận thanh tra, tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát lĩnh vực được giao, tiến hành xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có sai phạm nếu có”, Bộ Công Thương yêu cầu.

Với những vấn đề đã xảy ra, Bộ Công Thương yêu cầu các cục, vụ trực thuộc hoàn thiện quy định pháp luật về điện lực, như sửa đổi Luật Điện lực, nghị định, thông tư liên quan tới đảm bảo cung ứng điện; cơ chế với các dự án đầu tư chậm tiến độ.