Cây gỗ đen châu Phi là một thành viên của họ Cẩm lai, được phân loại theo họ Leguminosae, chi Dalbergia, loài melanoxylon. Loài cây này chủ yếu được tìm thấy ở các vùng ven biển Đông Phi, bao gồm Tanzania và Mozambique.
Cây chỉ cao tối đa khoảng 15 mét (chiều cao trung bình khoảng 8 mét), có hình dáng kỳ lạ và chưa trưởng thành hoàn toàn cho đến khi khoảng 200 tuổi. Hầu hết các cây ngày nay được thu hoạch ở độ tuổi từ 70 đến 80 năm. Thân cây hiếm khi có đường kính hơn 30 cm, vì vậy rất khó để khai thác những miếng gỗ đen châu Phi lớn từ loại cây này.
Theo các bằng chứng lịch sử, việc sử dụng và buôn bán loại gỗ này bắt đầu từ nền văn minh Ai Cập cổ đại có niên đại 5.000 năm. Nó được sử dụng bởi các pharaoh và các gia đình giàu có. Trên thực tế, hai trong số những đồ tạo tác lâu đời nhất được tìm thấy trong lăng mộ của Vua Menes tại Abydos được làm từ loại gỗ đặc biệt này.
Ở Ai Cập cổ đại, nó đã được sử dụng rộng rãi trong việc chế tạo đồ nội thất và tác phẩm nghệ thuật tinh xảo. Nó cũng được sử dụng trong xây dựng đền thờ như các thanh nẹp bằng gỗ giữ cố định các viên đá của các kim tự tháp. Ngoài ra, nó còn được sử dụng trong trang trí lăng mộ.
Tại châu Âu, trong các thế kỷ trước, gỗ đen được sử dụng để làm tay cầm của các dụng cụ y tế. Loại gỗ này được lấy từ các thuộc địa của Anh, Pháp và Đức ở Châu Phi và cũng được sử dụng để khảm đồ nội thất và đồ tiện.
Ngày nay, gỗ đen châu Phi nặng và cứng với tâm gỗ dày đặc, thớ mịn, được các nghệ nhân đánh giá cao trong việc chế tạo các tác phẩm nghệ thuật và nhạc cụ, bao gồm cả bộ hơi bằng gỗ và nhạc cụ có dây nhỏ. Đây là loại gỗ có dầu và có khả năng hạn chế tình trạng gỉ sét hình thành trên dụng cụ.
Tuy nhiên, gỗ đen châu Phi cực kỳ khó gia công. Loại gỗ sẫm màu này có thớ thẳng, mịn, nhưng cứng đến độ có thể nhanh chóng làm cùn các dụng cụ cắt. Gỗ đen châu Phi thường có màu từ đen tuyền đến tím đậm. Gỗ ít bị phân hủy, có thể chịu nhiệt và chống cong vênh, chống côn trùng ở mức độ vừa phải.
Nhược điểm của gỗ đen là nó hiếm khi mọc thẳng theo cách mà các nhà sản xuất nhạc cụ mong muốn và bất kỳ khuyết điểm hoặc vết nứt nào đều khiến vật liệu không thể sử dụng được. Đây là lý do tại sao chỉ có 9% gỗ đen châu Phi được thu thập để cắt thành các loại nhạc cụ. Chưa kể, từ một cây cao 10 mét, với độ tuổi ít nhất là 70 năm tuổi, chỉ có thể làm được 50 chiếc kèn clarinet.
Việc gỗ đen châu Phi mang lại giá trị sử dụng cao trong khi nguồn cung hạn chế đã khiến nó trở nên vô cùng đắt đỏ.
Theo Nikkei Asia, gỗ đen châu Phi được tìm thấy ở Tanzania là một trong những loại gỗ đắt nhất thế giới. Một khúc gỗ có thể có giá khoảng 9.000 USD; giá gỗ chế biến năm 2016 được niêm yết là 13.000 USD/m3 (khoảng hơn 300 triệu đồng).
Hiện, gỗ đen Châu Phi được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế phân loại ở mức "sắp bị đe dọa". Các chương trình trồng cây gỗ đen đã được triển khai rộng rãi để đảm bảo nguồn cung trong tương lai.
Minh Hoa (t/h)