Loài chim quý hiếm bậc nhất thế giới, chuyên giẫm chết rắn độc để ăn thịt

Admin

Loài chim săn mồi độc đáo này là sinh vật đặc hữu của châu Phi, có vẻ ngoài nổi bật kết hợp giữa thân hình giống đại bàng với đôi chân dài giống sếu và mào lông đen trên đầu.

Với chiều cao khoảng 1,3 m và có chiều dài gần như tương đương chiều cao, loài chim thư ký (Sagittarius snakearius), hay còn gọi là diều ăn rắn là một loài chim săn mồi độc nhất sống ở châu Phi cận Sahara. Nó là thành viên duy nhất trong họ Sagittariidae và chủ yếu sống trên cạn, săn mồi trên mặt đất với đôi chân dài và bàn chân khỏe.

Nó có thể dẫm chết con mồi bằng đôi chân dài của mình, đặc biệt là rắn. Nó có vẻ ngoài đặc biệt với khuôn mặt màu đỏ cam, bộ lông màu xám, mào đen và hai chiếc lông đuôi dài.

Loài chim quý hiếm bậc nhất thế giới, chuyên giẫm chết rắn độc để ăn thịt- Ảnh 1.

Có một số giả thuyết về lý do tại sao loài chim này được gọi là chim thư ký, nhưng không có giả thuyết nào có tính thuyết phục. Năm 1769, nhà tự nhiên học người Hà Lan Arnout Vosmaer đã mô tả loài chim thư ký dựa trên mẫu vật sống nhận được ở Hà Lan từ Mũi Hảo Vọng, do một quan chức của Công ty Đông Ấn Hà Lan gửi hai năm trước.

Vosmaer khẳng định rằng những người định cư Hà Lan gọi loài này là "nhân mã - sagittarius" vì dáng đi của nó được cho là giống với dáng đi của một cung thủ. Ngoài ra, ông lưu ý rằng những người nông dân đã thuần hóa loài chim này để kiểm soát sâu bệnh quanh nhà của họ, gọi nó là "thư ký - secretarius". Vosmaer cho rằng "thư ký" có thể là cách viết sai của "nhân mã".

Năm 1780, Comte de Buffon gợi ý cái tên này ám chỉ những chiếc lông vũ màu đen ở phía sau đầu, gợi nhớ đến những chiếc bút lông vũ mà những người ghi chép cổ xưa thường đặt sau tai. Đồng thời, bộ lông màu xám và đen của loài chim này gợi nhớ đến những chiếc áo đuôi tôm mà các thư ký mặc.

Vào năm 2018, Ian Glenn từ Đại học Free State (University of the Free State) đã đề xuất một quan điểm thay thế, cho rằng "nhân mã" mà Vosmaer nhắc tới có nhiều khả năng là "thư ký" bị nghe nhầm hoặc phiên âm sai, chứ không phải ngược lại. Những người khác ủng hộ ý tưởng này và cho rằng nông dân đã thuần hóa những con chim này với mục đích huấn luyện chúng bảo vệ mùa màng - và hoạt động như một trợ thủ trong nông nghiệp.

Vì vậy, chim thư ký thực sự rất có thể được gọi như vậy bởi vì nó trông giống hoặc hoạt động giống như một thư ký. Nhưng đây không phải là sự thật thú vị duy nhất về loài chim tuyệt vời này.

Loài chim quý hiếm bậc nhất thế giới, chuyên giẫm chết rắn độc để ăn thịt- Ảnh 2.

Chim thư ký (diều ăn rắn) có thể chế ngự và xơi tái bất cứ con rắn nào bất kể con rắn đó có nọc độc mạnh. Cảnh con chim bắt rắn cũng rất kỳ lạ: Nó tóm lấy con rắn bằng những móng chân chắc khỏe và đập đầu con rắn cho đến chết, đồng thời tự bảo vệ mình khỏi bị cắn bằng đôi cánh to lớn đầy lông. Cũng có khi nó chộp con rắn và tung con rắn lên cao nhiều lần khiến cho con mồi bất tỉnh. Nó biết kiểm tra con rắn cẩn thận trước khi nuốt. Ở Nam Phi, người ta thường nuôi loại chim này để giết rắn và chuột.

Chim diều ăn rắn thường dùng cách giẫm đạp thật mạnh để giết con mồi. Hầu hết những con vật bò trên mặt đất như côn trùng, thằn lằn, rắn hay một số động vật hữu nhũ nhỏ đều có thể trở thành con mồi. Chúng có thể chạy đuổi theo bắt mồi, ngoài việc dùng mỏ sục sạo, chim Sagittarius serpentarius còn biết giẫm đạp vào bụi cây để làm con mồi hoảng sợ chạy ra.

Còn khi bị rượt đuổi, chim Sagittarius serpentarius thường đi thật nhanh khỏi chỗ nguy hiểm, hay có thể vừa dang cánh ra vừa chạy. Nhưng nếu quá nguy cấp, chúng có thể bay vút lên. Chúng biết dựa theo hơi nóng từ dưới đất bốc lên để bay rất cao và xa. Tuy chúng bay giỏi, nhưng hiếm thấy chúng bay.

Loại chim này hoạt động chủ yếu vào ban ngày. Chân dài, bước sải dài, mỗi ngày chúng đi bộ khoảng 30km. Ban đêm, chúng đậu trên các cành cây. 

Loài chim quý hiếm bậc nhất thế giới, chuyên giẫm chết rắn độc để ăn thịt- Ảnh 3.

Loại chim này nổi tiếng sống chung thủy, tuy một vợ một chồng đến trọn đời nhưng có điều lạ là chim trống và chim mái không hề ở chung chỗ với nhau. Con trống và con mái thường ở cách chỗ nhau một khoảng ngắn.

Loài chim quý hiếm bậc nhất thế giới, chuyên săn sư tử conLoài chim quý hiếm bậc nhất thế giới, chuyên săn sư tử conĐỌC NGAY

Vào mùa sinh sản, các cặp chim Sagittarius serpentarius đều trở nên hung dữ, chúng đuổi tất cả những địch thủ nào xâm nhập vào lãnh địa của chúng.

Tổ được làm từ cành cây, có chiều ngang đến 2,4m dù là chỉ để chứa từ 2-3 trứng. Chúng thích làm tổ trên cây gai, tổ thường khó bị phát hiện và khó leo tới từ bên dưới. Loại chim này rất có tình cảm: Chim mái ấp trứng từ 44-48 ngày, trong thời gian đó chim trống đi kiếm mồi về cho chim mái. Trứng chim có màu trắng, mất khoảng 50 ngày mới nở. Chim non có thể bay đi khi được khoảng 8-10 tuần tuổi.

Hiện chim diều ăn rắn được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xếp vào loại có nguy cơ tuyệt chủng do mất môi trường sống và sự đàn áp của con người. Điều đó thực sự đáng buồn vì, dù nguồn gốc thực sự của cái tên là gì, chim thư ký vẫn là một sinh vật hấp dẫn đáng được chúng ta quan tâm và bảo tồn.

Minh Hoa (t/h)