Loại gỗ cực quý hiếm ở Việt Nam, một cây cổ thụ giá tới 25 tỷ đồng

Admin

Thời gian sinh trưởng của loại gỗ này vô cùng chậm, có khi phải đợi tới 800 năm mới có thể thu hoạch. Đây là một trong những lý do khiến loại cây này trở nên khan hiếm và quý giá.

Được biết đến với tên khoa học là Pterocarpus macrocarpus, giáng hương thuộc họ Đậu và có mặt ở nhiều quốc gia như Myanmar, Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.

Gỗ giáng hương được du nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam từ thời nhà Thanh. Người Trung Quốc đã sử dụng gỗ giáng hương để thay thế cho gỗ sưa do sự khan hiếm của loại gỗ này.

Tại Việt Nam, gỗ giáng hương trước đây xuất hiện nhiều ở các tỉnh Kon Tum (Sa Thầy), Gia Lai (Chư Prông, Mang Yang, An Khê), Đắk Lắk (Đắk Mil), Khánh Hòa (Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Diên Khánh, Ninh Hòa), Phú Yên (Sơn Hoà), Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai.

Loại gỗ cực quý hiếm ở Việt Nam, một cây cổ thụ giá tới 25 tỷ đồng- Ảnh 1.

Một cây giáng hương cổ thụ. Ảnh: Báo Gia Lai.

Tuy nhiên hiện nay, gỗ giáng hương ở Việt Nam đã được xếp vào loại cây gỗ quý thuộc nhóm I - danh mục cấm khai thác, đồng thời nằm trong Sách Đỏ Việt Nam (2007). Gỗ giáng hương giờ đây rất khan hiếm, khó tìm được những cá thể có kích thước lớn như trước đây.

Giáng hương là cây gỗ thường cao từ 15-25m, với vỏ màu nâu xám và thân thẳng. Nhựa cây có màu đỏ tươi, và gỗ giáng hương có mùi thơm dễ chịu, đậm đà. Khi chạm vào gỗ, mùi thơm sẽ vương trên tay. Vân gỗ giáng hương đẹp, gỗ chắc nịch và cứng cáp, được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Loại gỗ này thường mọc ở độ cao từ 100-800m so với mực nước biển và vùng có lượng mưa từ 1270-1520mm/năm.

Ngoài phần gỗ dùng làm nội thất rất đẹp, cây giáng hương còn được nhắc đến với những ứng dụng làm thuốc chữa bệnh của y học cổ truyền.

Quá trình sinh trưởng của cây giáng hương vô cùng chậm, có thể lên đến 800 năm mới cho ra một cây gỗ trưởng thành. Điều này khiến nguồn cung gỗ giáng hương vô cùng hạn chế, giá trị kinh tế của nó lên rất cao.

Một điểm đặc biệt của giáng hương là sự xuất hiện của "cục bướu" trên thân cây, được gọi là gỗ nu (hay gỗ nu hương). Phần này là sản phẩm sinh ra từ sự tác động của côn trùng và vi sinh vật vào cây.

Độ lớn của cục bướu này sẽ phụ thuộc vào cách cây hấp thụ dưỡng chất và thời gian sinh trưởng nhưng phần lớn thì phần bướu sẽ có đường kính lớn hơn thân cây chủ.

Nếu trong các loại đá quý, kim cương là thứ đắt giá nhất thì trong các loại gỗ, gỗ nu cũng đồng thời là thứ đắt giá nhất, dù nó chỉ là một phần dị dạng xấu xí của cây.

Vào tháng 8/2016, tờ Dân Trí đưa tin, một bộ bàn ghế được chế tác từ gốc cây gỗ nu rừng của một nghệ nhân người Thái Bình từng được rao bán với giá trên 1 tỷ đồng và đã gây sốt tại Trung tâm Triển lãm và Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam ở Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội.

Loại gỗ cực quý hiếm ở Việt Nam, một cây cổ thụ giá tới 25 tỷ đồng- Ảnh 2.

Cây giáng hương cổ thụ được nhiều đại gia trả giá 1 triệu USD. (Ảnh: Dân Việt)

Theo Dân Việt, vào năm 2017, ở thôn Yuk Kla, xã Đắk Liêng, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, đã xuất hiện một cây gỗ giáng hương cổ thụ. Một người đàn ông có kinh nghiệm trong nghề khai thác gỗ đã được cấp phép di dời cây này tới tỉnh Thanh Hóa. 

Lang thang trên cánh đồng, người đàn ông đào được kho báu quý giá

Tại đây, nhiều người tìm tới hỏi mua cây gỗ giáng hương này nhưng ông không bán. Theo lời chia sẻ của người đàn ông, nhiều đại gia đã trả giá 1 triệu USD (hơn 25 tỷ đồng) để sở hữu cây gỗ giáng hương cổ thụ.

Hải Vân (T/h)