Lợi ích ăn rau sam
Rau sam là loại rau nông dân vì đó là loại rau rất phổ thông, dễ trồng, dễ sống, có sức sống mạnh ngay cả ở những vùng đất tưởng chừng chẳng có loại rau nào sống nổi. Loại rau này có thể phát triển trên cả những vùng đất khô cằn nhất. Không cần chăm bón quá đặc biệt, không cần vun trồng quá kỹ, rau sam có thể mọc tự nhiên tựa như sức sống mãnh liệt. Ở loại rau đặc biệt này, người ta tìm thấy vị thanh dịu, chua nhẹ, một màu đỏ tía đặc trưng của thân khiến rau sam không lẫn vào đâu được.
Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy rau sam ở các bãi đất, bờ ruộng, những gò đống tự nhiên. Loại rau này có đặc điểm bò mọc sát đất. Thân rất mẫm màu tím đỏ, lá xanh mướt, hoa vàng hoặc đỏ rất đẹp. Lá hình tròn nhỏ hoặc hơi thuôn. Nhìn cây rau sam về mùa hè rất thích vì nó cho ta cảm giác mọng nước và mát dịu mùa nắng gắt.
Rau sam hay còn gọi là mã xỉ hiện, mã xỉ thái, trường thọ thái,… có vị chua, không độc, có tính lạnh. Ngoài công dụng là loại thực phẩm giàu giá trị dinh dưỡng, cây rau sam còn là dược phẩm với nhiều công dụng đối với sức khỏe con người. Theo kinh nghiệm của dân gian, cây rau sam được sử dụng trong các bài thuốc cụ thể sau:
Trị nổi mề đay mẩn ngứa, sốt phát ban: Lấy một nắm cây rau sam rửa qua nhiều lần với nước để loại bỏ lớp bụi bẩn và tạp chất. Sau đó, giã nát toàn bộ rau sam, chắt lấy phần nước cốt để uống, phần bã để chà xát lên vùng da bị tổn thương. Thực hiện mỗi ngày 1 lần để cải thiện bệnh lý về da.
Trị trướng bụng: 300 – 500g rau sam, rửa sạch, chia làm 2 lần dùng, mỗi lần 150g, thái nhỏ, nấu lẫn với nước vo gạo nếp lần 2 tạo thành một thứ canh hơi sệt.
Giảm mụn nhọt: Chuẩn bị một miếng màn hoặc miếng vải mỏng, giặt sạch phơi khô. 30g rau sam, rửa sạch, sau đó giã nát, sau đó gói vào miếng vải trước đo đã chuẩn bị, đắp lên phần da bị mụn nhọt. Mỗi ngày thay 2 lần. Duy trì đắp đến khi mụn nhọt nhín và vỡ ra.
Phòng ngừa bệnh gout: Dùng nước sắc rau sam để thay cho nước lọc. Sử dụng liên tục khoảng 30 ngày và kết hợp cùng với thuốc trị bệnh gout.
Trị ho gà: Theo Dân Tộc và Phát Triển, dùng 100g rau sam cùng với 30g đường phèn. Rau sam cần được làm sạch trước khi đem đun cùng với 200ml nước. Tiếp tục thêm 30 gram đường phèn và đun còn khoảng 100ml. Chia phần sắc được thành 3 phần nhỏ để dùng trong ngày. Sau lộ trình 3 ngày, người bệnh giảm liều dùng còn 50ml.
Rau sam giá cũng cao hơn rau thông thường
Trao đổi với Gia đình & Xã hội, chị Hà bán rau ở chợ Hà Đông, các loại rau dại mọc tự nhiên, không phun thuốc… nên người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng. Các loại rau dại mang bán lúc nào cũng hết hàng sớm. Như hôm nay, chị có 20kg rau dền cơm và rau sam đều bán hết sạch ngay đầu buổi sáng. Mỗi kg rau dền cơm, rau sam, tầm bóp, mảnh cộng,... được chị bán từ 30.000 – 35.000 đồng /kg.
"Rau dại so với các loại rau khác đắt hơn vì hiếm. Ở chợ có vài người bán rau dại, nhưng cũng thi thoảng hàng mới có. Nhiều khách ăn quen thường dặn trước khi có thì báo họ. Bởi vậy mà đa phần là rau chỉ đủ để trả khách quen", chị Hà cho biết.
Theo các tiểu thương, rau sam được nhiều người mua về dùng để nấu canh, luộc ăn hoặc làm rau trộn. Rau ăn có vị chua chua, giòn, mát… Ngày hè nóng bức, ăn rau sam mát, giúp thanh nhiệt. Theo nhiều nghiên cứu, rau sam có chứa nhiều axít béo omega-3, vitamin cũng như các chất khoáng dinh dưỡng như magiê, canxi, kali và sắt…. có lợi cho sức khỏe. Trong Đông y, rau sam còn được coi là một loại thảo dược vì tính thanh nhiệt, có lợi cho tiêu hóa. Rau sam giúp chữa mụn nhọt lở loét, đầy bụng, giun sán đường ruột, chữa trị mẩn ngứa ngoài da…
Những điều cần lưu ý khi sử dụng rau sam
Không nấu quá chín, đung sôi quá lâu.
Không sử dụng cho phụ nữ có thai.
Người bệnh có thể tạng hư hàn, hay đi tiêu lỏng, cần phối hợp với những vị thuốc cay, ấm để không làm trệ tỳ khi sử dụng loại rau này.
Người có tiền sử sạn thận nên thận trọng dùng loại dược liệu này.
Với những thông tin trên chắc hẳn bạn đã có câu trả lời cho vấn đề "Cây rau sam có tác dụng gì?" rồi phải không.
Trúc Chi (t/h)