Theo đó, trong chuyến thám hiểm núi Pờ Ma Lung, thuộc huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, nhóm nghiên cứu đến từ tổ chức Indo-Myanmar Conservation, dẫn đầu bởi một người Việt, đã tìm thấy một loài cóc mới mà khoa học chưa từng biết đến.
Loài cóc mới được đặt tên là cóc răng núi Po Ma Lung (tên khoa học Oreolalax adelphos), do các nhà nghiên cứu đến từ Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (Asian Turtle Program-ATP) thuộc Tổ chức Indo-Myanmar Conservation, Bảo tàng Quốc gia Australia và Hội động vật London phát hiện ở độ cao trên 2.900 m tại đỉnh núi Pờ Ma Lung thuộc dãy Hoàng Liên Sơn. Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Zootaxa vào đầu tháng 10.
Được đặt tên là "adelphos", có nghĩa là "anh em" trong tiếng Hy Lạp, loài cóc này có chung môi trường sống với loài cóc răng Sterling (tên khoa học: Oreolalax sterlingae), khiến nó trở thành loài thứ hai cùng loại được tìm thấy trên núi Pờ Ma Lung.
Cóc răng núi Pờ Ma Lung có chiều dài thân chưa tới 4cm, trong đó cá thể đực có kích thước cơ thể khoảng 38 mm và cá thể cái khoảng 26,2 mm. Loài cóc này có một hàng răng nhỏ trên vòm miệng, được gọi là răng vomerine. Loài lưỡng cư mới được mô tả này được bao phủ bởi các đốm đen, kem và xám và có một số đặc điểm độc đáo, bao gồm một nếp gấp da hẹp phía sau mắt, một họa tiết đốm rõ rệt trên bụng và mống mắt hai tông màu bắt mắt.
Bên cạnh đó, theo giới chuyên môn, việc phát hiện về loài cóc răng mới được xem là "chiến thắng" dành cho khu vực được mệnh danh là "điểm nóng về ếch" ở Việt Nam. Thậm chí, đây cũng là một bước tiến quan trọng hướng tới việc bảo tồn tốt hơn các loài động vật hoang dã, bao gồm cả những loài mà chúng ta chưa từng biết đến trước đó.
Tiến sĩ Ben Tapley, đồng tác giả của nghiên cứu và là người phụ trách các loài bò sát và lưỡng cư của Sở thú London cho biết: "Đây là một khám phá hoàn toàn bất ngờ và thú vị". "Nó cho thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ hệ sinh thái phong phú nhưng mong manh của dãy Hoàng Liên Sơn, nơi sinh sống của một số loài lưỡng cư đáng chú ý nhất thế giới."
Phát hiện này cũng làm sáng tỏ những mối đe dọa ngày càng tăng đối với môi trường sống của các sinh vật trên núi này. Ngôi nhà trong rừng của loài cóc đang bị thu hẹp do hoạt động thu thập củi và sự lan rộng của các đồn điền. Các nhà bảo tồn cảnh báo rằng nơi trú ẩn nhỏ bé ở độ cao này có thể khiến loài này dễ bị tổn thương, có khả năng khiến nó được đưa vào Sách đỏ IUCN ở mức cực kỳ nguy cấp.
Minh Hoa (t/h)