Kền kền Ai Cập (Neophron percnopterus) từng được xem là biểu tượng hoàng gia trong văn hóa Ai Cập cổ đại và được vua chúa bảo vệ nên còn được gọi là "gà của Pharaoh".
Chúng là một trong số ít loài chim săn mồi sử dụng công cụ khi đi săn. Ở các khu vực Châu Phi, trứng đà điểu là một phần chế độ ăn uống của kền kền Ai Cập, chúng sử dụng sỏi được giữ trong mỏ để làm vỡ trứng.
Tuy nhiên, loài chim săn mồi và ăn xác thối này đã suy giảm nhanh chóng và đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Chúng hiện chỉ còn phân bố rải rác từ bán đảo Iberia và Bắc Phi đến Ấn Độ.
Trước đây, chỉ có hai lần chính thức nhìn thấy kền kền Ai Cập ở Anh, một lần ở Somerset vào năm 1825 và một lần ở Essex vào năm 1868.
Lần tái xuất mới nhất là vào giữa năm 2021 tại Peninnis Head, điểm cực nam của hòn đảo St Mary thuộc quần đảo Scilly khiến các nhà khoa học vô cùng sửng sốt. Đây là lần thứ ba kền kền Ai Cập xuất hiện ở Anh được ghi nhận.
Giáo sư Stuart Bearhop - một nhà sinh thái học của Đại học Exeter cho biết sự suy giảm số lượng của loài chim này, đã dẫn đến việc các nhà bảo tồn ở Nam Âu thả những con chim được nuôi nhốt nhằm cố gắng tăng cường số lượng. Vì vậy, các chuyên gia đang cố gắng xác nhận con chim xuất hiện trên đảo có nguồn gốc hoang dã hay không.
"Nếu được chứng minh là có nguồn gốc hoang dã , đây sẽ là lần đầu tiên kền kền Ai Cập quay trở lại Anh sau hơn 150 năm. Đó là cảnh tượng cực kỳ hiếm có, trăm năm có một", Giáo sư Stuart Bearhop cho hay.
Thực tế, kền kền Ai Cập cũng có thể được tìm thấy ở một số vùng của châu Âu. Theo Giáo sư Bearhop, con vật ở Peninnis Head đã bay đến từ miền bắc nước Pháp nhưng không rõ nó di cư vì lý do gì.
Giống như các loài chim săn mồi và ăn xác thối khác, kền kền Ai Cập đang bị đe dọa bởi các hoạt động của con người, biến đối khí hậu và suy thoái môi trường sống. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế hiện xếp chúng vào nhóm động vật "nguy cấp" trong Sách Đỏ.
Minh Hoa (t/h)