Khi xây dựng các phòng tuyến kiên cố, Nga đã cố gắng tạo nên các bãi mìn sâu hơn và khó vượt qua hơn để cản bước Ukraine nhưng Moscow không có đủ mìn để tiến hành đầy đủ kế hoạch này ở mọi nơi. Dù vậy, hướng tiếp cận ứng biến và không theo quy luật đã tạo nên cơn đau đầu mới cho việc tiến công của các lực lượng Ukraine.
Binh lính Ukraine làm công việc dọn mìn ở Donetsk. Ảnh: Getty
Trong một báo cáo mới từ Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), các chuyên gia Jack Watling và Nick Reynolds đã đánh giá chi tiết về nỗ lực thích nghi của Nga trong suốt cuộc phản công và các bãi mìn không theo quy luật đang gây ra thách thức đặc biệt cho Ukraine. Chiến lược phòng thủ của Nga không chỉ đòi hỏi nhiều trang thiết bị hơn mà còn cả những giải pháp mới.
Một bãi mìn tiêu chuẩn của Nga thường sâu khoảng 120 mét nhưng các lực lượng của Moscow phát hiện ra Ukraine có thể xuyên thủng các bãi mìn này bằng những phương tiện như xe dọn mìn UR-77 Meteorit thời Liên Xô hoặc tổ hợp rà phá bom mìn M58 Mine Clearing Line Charge (MICLIC) của Mỹ.
Vì thế Nga đã mở rộng chiều sâu của các bãi mìn lên 500 mét "vượt xa mọi khả năng xuyên thủng".
"Việc tăng chiều sâu của các bãi mìn tức là Nga không có đủ mìn để đáp ứng mật độ đặt mìn thống nhất với kế hoạch", các nhà quan sát Watling và Reynolds cho hay. Do vậy, mặc dù các bãi mìn lớn hơn nhưng sẽ có những khoảng trống giữa chúng. Nói cách khác, công binh Nga chỉ đơn giản làm điều mà họ cho là có thể cản bước tiến công của Ukraine lâu nhất có thể.
Kết quả là các bãi mìn của Nga không được bố trí một cách đồng đều. Chúng khác nhau về hình dạng và kích cỡ, bao gồm các loại mìn khác nhau và đôi khi tập trung vào tính sát thương hơn là chiều sâu và mật độ.
Chẳng hạn, các lực lượng mặt đất và công binh Nga được giao nhiệm vụ cản bước tiến công của Ukraine đã đặt "hai loại mìn chống tăng lên nhau", bù đắp cho việc giảm mật độ bằng cách đảm bảo các phương tiện, thậm chí cả những phương tiện được trang bị lưỡi máy ủi không thể di chuyển được.
Chuyên gia về Nga Michael Kofman cho rằng Nga đang tăng gấp đôi hoặc gấp 3 các bãi mìn, đồng thời xây dựng các chiến hào giả được đặt thuốc nổ.
Do Nga không thể tiến hành kế hoạch của họ một cách đồng đều với các bãi mìn sâu hơn và mật độ tiêu chuẩn như đã đề ra do không có đủ mìn nên họ đã đặt ngẫu nhiên các thiết bị nổ và sử dụng nhiều loại mìn khác nhau, đồng thời giảm mức độ đồng đều của các bãi mìn, báo cáo của RUSI cho hay. Điều này đã và đang làm phức tạp đáng kể việc trinh sát các bãi mìn và lên kế hoạch của Ukraine.
Các bãi mìn của Nga, đặc biệt là các bãi mìn được yểm trợ bởi những phương tiện như súng cối, pháo hoặc trực thăng tấn công đang gây ra thách thức liên tục cho Ukraine trong suốt cuộc phản công.
Các bãi mìn không đồng đều và không theo quy luật của Moscow đã làm phức tạp thêm các vấn đề cho Kiev
"Các chiến dịch của Ukraine hạn chế về nhịp độ bởi các bãi mìn của Nga ngày càng ít đồng đều và có ở mọi nơi. Kiev cần trinh sát kỹ lưỡng trước khi tiến hành bất kỳ cuộc tấn công lớn nào do lo ngại tổn thất trang thiết bị", các chuyên gia Watling và Reynolds đánh giá.
Vì lý do này, theo các nhà quan sát, "rất khó để lên kế hoạch tấn công sau các phòng tuyến ngay lập tức". Các chuyên gia này cũng cho rằng Ukraine cần thêm trang thiết bị như UAV với khả năng phân tích hình ảnh bằng thuật toán để nhanh chóng phát hiện các bãi mìn và vẽ lại bản đồ các bãi mìn của đối thủ.
Các lực lượng của Ukraine đang tăng cường sức ép ở phòng tuyến Surovikin kiên cố của Nga. Một số nhà quan sát dự đoán rằng, các vị trí sâu hơn có lẽ ít thách thức hơn. Tuy nhiên, điều này sẽ chưa rõ rằng cho tới khi Kiev có thể xuyên thúng phòng tuyến chính trong cuộc giao tranh cam go hiện nay.