Lừa đảo qua không gian mạng ở Huế Bài cuối: Làm gì để không bị “sập bẫy”?

Admin

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã kiến nghị một số giải pháp, đề xuất.

Nguyên nhân khiến tội phạm lừa đảo qua mạng gia tăng

Như Người Đưa Tin đã đưa trước đó, ở Thừa Thiên-Huế, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Lừa đảo qua không gian mạng ở Huế  
Bài cuối: Làm gì để không bị “sập bẫy”?- Ảnh 1.

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế bắt một nhóm người chuyên làm giả CCCD để lập tài khoản ngân hàng bán kiếm tiền.

Các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt tài sản, như đăng tin giả mạo tuyển cộng tác viên làm việc online; kêu gọi đầu tư online siêu lợi nhuận; chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội và quyền sử dụng sim số điện thoại; giả danh giáo viên chủ nhiệm, nhân viên bảo vệ nhà trường hoặc nhân viên bệnh viện; lừa đảo đặt tiệc; chiếm quyền điều khiển tài khoản ngân hàng; cho vay vốn online; giả danh nhân viên công ty xổ số cho số đánh lô đề; giả danh nhân viên ngân hàng, nhà mạng, nhân viên các sàn thương mại điện tử; giả danh cơ quan chức năng, người nổi tiếng, người nước ngoài thành đạt...

Chiêu trò tinh vi của shipper lừa đảo khiến người mua online "sập bẫy"NHNN: Có tình trạng sử dụng tài khoản của khách hàng để lừa đảo

Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, qua khảo sát, phân tích cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nhưng nguyên nhân chủ yếu là do 3 nhóm.

Đầu tiên là nguyên nhân, điều kiện từ người phạm tội, nhằm mục đích kinh tế, làm giàu bất chính, bất chấp pháp luật để phạm tội.

Tiếp đó là nguyên nhân, điều kiện từ người bị hại, sự thiếu hiểu biết về hoạt động, thủ đoạn lừa đảo của tội phạm; chưa nắm chắc quy trình, quy định của pháp luật khi cơ quan chức năng làm việc với công dân; muốn có thêm thu nhập, hám lợi; bị lộ lọt thông tin cá nhân (có thể từ bên thứ ba hoặc ngay bản thân mình).

Và thêm nguyên nhân từ công tác phòng ngừa, đấu tranh như: Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, nhất là trong phối hợp xác minh dòng tiền chiếm đoạt; Tài khoản ngân hàng còn bị mạo danh, mua bán, chuyển giao trái phép; hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm còn bất cập hay lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao còn mỏng…

Tăng cường tuyên truyền, nâng cao cảnh giác

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, UBND tỉnh Thừa Thiên -Huế, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã nhiều lần, liên tục phát đi các văn bản cảnh báo, tuyên truyền, phổ biến phương thức, thủ đoạn của tội phạm này để người dân cảnh giác.

Lừa đảo qua không gian mạng ở Huế  
Bài cuối: Làm gì để không bị “sập bẫy”?- Ảnh 2.

Phần mềm Hue-S ở Thừa Thiên-Huế thường xuyên phát đi các thông tin cảnh báo về các phương thức thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng.

Công an Thừa Thiên-Huế thông tin, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, đơn vị đã kiến nghị một số giải pháp, đề xuất.

Về công tác tuyên truyền, đề nghị UBND các cấp, các sở, ban, ngành, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (Trung tâm IOC)…tăng cường công tác tuyên truyền, cập nhật, phổ biến thường xuyên các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; tăng cường thời lượng phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực thông tin, truyền thông; các doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc kết nối giữa cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của các doanh nghiệp viễn thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để rà soát, đảm bảo thông tin thuê bao chính xác. Các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng quản lý chặt các hoạt động đăng ký, mở tài khoản, đặc biệt là các tài khoản online; siết chặt việc đăng ký ví điện tử, liên kết tài khoản ngân hàng giao dịch, đảm bảo an toàn thông tin, xác thực thông tin khách hàng.

Về phía các cơ quan chức năng, đề nghị cơ quan Công an, VKSND, TAND các cấp nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, kịp thời phát hiện, điều tra làm rõ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, rà soát các đối tượng, mục tiêu nghi vấn, các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng để đấu tranh xử lý, thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm để phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, triệt phá các băng nhóm hoạt động có tổ chức, sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đối với mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, giữ bí mật thông tin cá nhân; cảnh báo cho bạn bè, người thân biết về các hình thức lừa đảo nhằm phòng ngừa, tố giác tội phạm; đồng thời luôn tâm niệm phương châm “không sợ (đối tượng đe dọa, thao túng tâm lý), không làm theo (chuyển mã OTP, kích vào đường link lạ, gọi đến một số điện thoại khác để được hỗ trợ, hướng dẫn,…), không tham (việc nhẹ lương cao; đầu tư tài chính qua mạng - tiền ảo, chứng khoán,…), không chuyển (thông thường đây là bước cuối cùng để đối tượng chiếm đoạt tài sản)”.

Lê Kông