Lý do NATO e sợ Trung Quốc, coi nước này là thách thức lớn

Admin

Ngoài cuộc xung đột Nga - Ukraine, hội nghị thương đỉnh NATO 2023 cùng chú ý nhiều đến Trung Quốc. Khối quân sự này xem Trung Quốc như một thách thức lớn mà họ phải ứng phó về dài hạn.

Thượng đỉnh NATO và nỗi lo ngại toàn diện về Trung Quốc

Vừa kết thúc ở thủ đô Vilnius của Litva, Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngập tràn các tin tức về xung đột Nga - Ukraine và việc Ukraine xin gia nhập khối quân sự được coi là liên minh quân sự đáng sợ nhất thế giới hiện nay.

Tuy nhiên, chủ đề Trung Quốc cũng được lưu tâm trong hội nghị này.

Lý do NATO e sợ Trung Quốc, coi nước này là thách thức lớn - Ảnh 1.

Cờ Trung Quốc và cờ khối NATO. Ảnh: Sociable.

NATO là một liên minh xuyên Đại Tây Dương, được thành lập vào năm 1949 để đối phó với cái mà phương Tây gọi là mối đe dọa từ Liên Xô. Đến khi Liên Xô tan rã, NATO lại “cảnh giác” tiếp với Nga. Nhưng trong các năm gần này, liên minh quân sự này bắt đầu chú ý nhiều đến cả Trung Quốc.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay, “Trung Quốc đang tiến sát hơn với chúng ta” trong mọi phương thức, từ Bắc cực tới châu Phi, từ không gian mạng đến các mạng 5G, các đầu tư khác vào cơ sở hạ tầng ở châu Âu, chưa kể chuyện Trung Quốc tăng cường tập trận chung với Nga.

Chính vì vậy, thông cáo chung của Thượng đỉnh NATO 2023 đã dành phần đáng kể để nói về Trung Quốc và điều mà họ gọi là mối đe dọa từ quốc gia này.

Đoạn thứ 23 của thông cáo NATO tuyên bố, các tham vọng và chính sách của Trung Quốc “thách thức các lợi ích, an ninh và giá trị của chúng ta”.

Trung Quốc được cho là sử dụng các công cụ chính trị, kinh tế và quân sự để gia tăng ảnh hưởng và phóng chiếu sức mạnh trên toàn cầu.

Thông cáo viết: “Trung Quốc tìm cách kiểm soát các ngành công nghệ và công nghiệp chủ chốt, cơ sở hạ tầng trọng yếu, nguyên vật liệu chiến lược và các chuỗi cung ứng. Họ sử dụng ảnh hưởng kinh tế để tạo ra sự phụ thuộc chiến lược vào họ và gia tăng ảnh hưởng của họ. Họ nỗ lực thay đổi trật tự quốc tế dựa trên quy tắc trong các lĩnh vực vũ trụ, không gian mạng và hàng hải”.

Thông cáo cũng cho biết, các nhà lãnh đạo NATO sẽ hợp tác để xử lý các “thách thức có hệ thống do Trung Quốc đặt ra cho an ninh châu Âu - Đại Tây Dương và bảo đảm khả năng dài lâu của NATO trong bảo đảm an ninh, quốc phòng của các đồng minh”.

NATO lo ngại không chỉ sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho Nga trong cuộc xung đột với Ukraine mà còn cả vai trò của Trung Quốc trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên. NATO còn bày tỏ lo ngại về cả chính sách hạt nhân của bản thân Trung Quốc.

Thông cáo nêu rằng “Trung Quốc đang mở rộng nhanh chóng và đa dạng hóa kho vũ khí hạt nhân, tăng thêm đầu đạn và số lượng hệ thống phóng hiện đại nhằm thiết lập bộ ba hạt nhân…”.

Tất nhiên, Trung Quốc đã phản bác lại các cáo buộc trên của NATO. Phái đoàn Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố trong thông cáo vào hôm 11/7 rằng các nội dung trong thông cáo của NATO liên quan đến Trung Quốc là “coi thường thực tế cơ bản, xuyên tạc quan điểm và chính sách của Trung Quốc và cố tình hạ uy tín Trung Quốc”.

Nỗi e sợ âm ỉ từ lâu

Thông cáo của Thượng đỉnh NATO ở Vilnius đã đề cập tầm quan trọng gia tăng của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong địa chính trị toàn cầu.

Tất nhiên, mối quan ngại của NATO đối với Trung Quốc không phải là diễn biến mới. Sự quan ngại đó đã có từ trước khi Nga phát động “ chiến dịch quân sự đặc biệt ” ở Ukraine.

Một báo cáo của NATO năm 2020 với nhan đề “NATO 2030: Đoàn kết vì một kỷ nguyên mới” tuyên bố rõ rằng “NATO phải dành thêm thời gian, nguồn lực chính trị và hành động cho các thách thức an ninh do Trung Quốc đặt ra, dựa trên việc đánh giá năng lực quốc gia, sức nặng kinh tế và các mục tiêu tư tưởng do ban lãnh đạo quốc gia này nêu ra”. Các hội nghị thượng đỉnh của NATO vào năm 2021 và 2022 đều lưu tâm đến chủ đề này.

“Khái niệm Chiến lược 2022” đươc thông qua tại hội nghị thượng đỉnh NATO tổ chức ở Madrid (Tây Ban Nha) vào các ngày 29-30/6/2022 đã chính thức coi Trung Quốc là một “thách thức hệ thống”. Khái niệm này nêu ra các tham vọng và chính sách của Trung Quốc cũng như việc Trung Quốc không công khai nhiều thông tin về nỗ lực hiện đại hóa quân đội của mình.

Nguyên nhân khiến NATO lo sợ

Về thực chất, nỗi e sợ của NATO bắt nguồn từ 4 yếu tố sau.

Thứ nhất , việc Trung Quốc đầu tư mạnh vào châu Âu trong các lĩnh vực trọng yếu như mạng lưới viễn thông và các cơ sở hải cảng có thể làm suy yếu khả năng của NATO phản ứng lại các cuộc khủng hoảng quốc tế về mặt ngoại giao cũng như quân sự.

Trung Quốc sở hữu khoảng 10% toàn bộ năng lực hải cảng của châu Âu. Đặc biệt, việc Trung Quốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng đường bộ và đường sắt ở Đông Âu có thể gây phức tạp cho NATO trong bảo đảm cơ động quân sự và sẵn sàng tác chiến khi xuất hiện tình huống khủng hoảng.

Thứ hai , hợp tác quân sự giữa Bắc Kinh và Moscow đã gia tăng gần đây. Hải quân Nga và Trung Quốc thực hiện tập trận chung ở Địa Trung Hải và Biển Baltic. Bên cạnh đó, hai nước còn hợp tác với nhau ở vùng Bắc cực, với tuyến đường mới kết nối châu Á với châu Âu.

Thứ ba , tên lửa tầm xa, tàu sân bay, tàu ngầm tấn công hạt nhân của Trung Quốc có năng lực tầm toàn cầu và đặt ra các thách thức cho NATO.

Thứ tư , Trung Quốc tỏ thái độ cứng rắn, không khoan nhượng trong vấn đề Đài Loan - vùng lãnh thổ được Mỹ và đồng minh ủng hộ.

Năm 2021, các nước NATO gửi 21 chiến hạm tới các vùng biển châu Á, nơi họ thực hiện các hoạt động quân sự chung với lực lượng hải quân khu vực do lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Các hoạt động trên đã kéo theo hoạt động Tự do hàng hải trên Biển Đông. Hải quân Anh thực hiện các cuộc diễn tập chung với Pháp, Nhật Bản, Singapore và Mỹ trong vùng.

Pháp đã điều tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan. Pháp tham gia tập trận cùng Mỹ ở khu vực quần đảo Thái Bình Dương. Nhóm tàu tấn công của Pháp cũng đã triển khai ở Ấn Độ Dương cùng với hải quân Ấn Độ.

Đức cũng đang chuyển hướng chú ý sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Năm 2021, tàu hộ vệ của Đức tạm trú ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tại thượng đỉnh an ninh Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng quốc phòng Đức công bố, Berlin sẽ gửi 2 tàu hải quân tới khu vực này vào năm tới (2024).

Tất cả các hoạt động quân sự này của NATO ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đều xoay quanh Trung Quốc.