Do 3 yếu tố
Ngày 24/10, phát biểu tại hội thảo “Bất động sản phía Nam vượt qua thách thức và đón đầu cơ hội”, ông Nguyễn Xuân Thành - giảng viên Đại học Fulbright - cho biết, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm nay đạt 6,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tăng trưởng GDP quý III đạt 7,4%.
“Tăng trưởng kinh tế đang được thúc đẩy bởi 3 yếu tố chính là tăng trưởng công nghiệp hướng vào xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư công. Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm nay đang ở mức cao, nhưng cảm nhận của người dân và doanh nghiệp là kinh tế vẫn khó khăn”, ông Thành nói.
Cụ thể, tăng trưởng công nghiệp hướng vào xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm không chỉ hồi phục so với 2023 mà còn mạnh hơn so với phục hồi hậu COVID-19 năm 2022. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trưởng tốt cả về vốn đăng ký và vốn giải ngân, dù không có sóng lớn.
Trong khi đó, đầu tư công hiện tại không còn là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Thực tế, đầu tư công năm nay ước đạt 679.000 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 320.000 tỷ đồng, đạt 47,3% so với kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, con số này thấp hơn đáng kể so với năm 2023 là 51,4%. Với kinh tế trong nước, tiêu dùng cá nhân và hộ gia đình tăng chậm.
Theo ông Thành, điều này chủ yếu là do thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng bởi giảm việc làm do giảm xuất khẩu năm 2023. Ngoài ra, tiết kiệm và tài sản của người dân cũng bị ảnh hưởng bởi thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản giai đoạn 2021-2023. Đầu tư của doanh nghiệp tư nhân chững lại chủ yếu do tâm lý sợ rủi ro tài chính và pháp lý.
Sức mua trong thị trường nội địa rất ít, nên áp lực lạm phát không còn là vấn đề quan ngại. Ông Thành dự báo, mức lạm phát kiểm soát năm 2024 nằm trong khoảng 3%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu là 4-4,5%. Điều này giúp nới lỏng thêm chính sách tài khoá .
Năm 2025 sẽ ra sao?
Về tăng trưởng tín dụng, tính đến 30/9 tín dụng tăng 9%, tháng 9 so với cùng kỳ tín dụng tăng 16%. Thách thức lớn là tín dụng hiện nay tăng 16% nhưng cung tiền chỉ tăng 12%. Thực chất nhu cầu tín dụng của nền kinh tế chỉ tăng 10-11%.
Chính phủ đang muốn đặt mục tiêu tăng trưởng rất cao cho năm tới. Cụ thể, tăng trưởng GDP 6,5-7% (kịch bản cơ sở) nhưng mong muốn đạt mức cao là 7-7,5%. Mục tiêu kiểm soát lạm phát 4,5%. Xuất khẩu dự báo tăng 10-14%.
Về chính sách tiền tệ và tín dụng, theo ông Thành, Fed và nhiều ngân hàng trung ương đã bước vào chu kỳ giảm lãi suất điều hành.
“Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở trạng thái nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng. Dự báo mặt bằng lãi suất sẽ giảm 0,7% trong năm tới nhưng lạm phát sẽ tăng”, ông Thành nói.
Về chính sách tài khóa, vẫn đẩy mạnh tăng thu ngân sách với dự toán tổng thu ngân sách nhà nước đạt 1,96 triệu tỷ đồng, tăng 15,6%. Thâm hụt ngân sách 471.500 tỷ đồng (3,8%GDP), nợ công 36-37% của GDP.
Chính phủ sẽ đẩy mạnh đầu tư công với dự kiến kế hoạch vốn đạt 791.000 tỷ đồng, tăng 16,5% so với kế hoạch năm 2024.