Một khu vực tại Tp.HCM 3 năm đất không tăng giá, nhà đầu tư sốt ruột khi nhìn khoản đầu tư “tụt dốc”

Admin

Anh Chung mua mảnh đất 2 tỉ đồng diện tích hơn 50m2 tại P.Long Phước, quận 9 vào cuối năm 2020. Đến nay nền đất của anh không lên so với giá mua vào. Thậm chí, để bán được, anh phải giảm ít nhất 200 triệu đồng so với mặt bằng chung của thị trường.

Từng có nhiều bất động sản ở các khu vực khác nhau nhưng theo anh Chung, một nhà đầu tư đất nền lâu năm, khoản đầu tư vào đất nền khu vực P.Long Phước, quận 9 (cũ, nay là Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) là “mất giá” nhất.

Anh Chung chia sẻ, vào cuối năm 2020, anh mua mảnh đất 52m2 tại P.Long Phước với giá 2,020 tỉ đồng/nền. Đây là mức giá anh đã “deal” được thấp hơn 100 triệu đồng so với các nền lân cận, tính trong thời điểm đó. Xác định đầu tư hơn 1 năm ra hàng, hưởng chênh lệch, tuy nhiên kể từ đó đến nay, nhà đất khu vực này lên – xuống thất thường và nếu tính toán khoản lạm phát thì mảnh đất của anh không tăng giá, thậm chí giảm so với giá mua vào.

Mua mảnh đất cuối năm 2020, đến cuối năm 2021, nền đất của anh Chung tăng lên 2,2 tỉ đồng/nền nhưng vì lời chưa đáng kể anh không bán ra. Đến đầu năm 2022, nền đất tiếp tục tăng lên 100 triệu đồng thành 2,3 tỉ đồng/nền. Thế nhưng, từ đó đến nay, mảnh đất này không biến động tăng giá. Hiện giá đất khu vực đang giảm phổ biến 200-500 triệu đồng. Nếu muốn bán ra thời điểm này, đồng nghĩa anh Chung phải giảm dưới giá vốn mua vào. Như vậy, sau gần 3 năm đầu tư, tính các chi phí dòng tiền, lạm phát… khoản đầu tư này của anh Chung là “lỗ”. Dù vậy, để ra hàng trong bối này theo anh Chung là không dễ. Bản thân anh khá sốt ruột vì nhìn dòng vốn bị chôn lại lâu hơn thời gian dự tính ra hàng, khó xoay chuyển dòng tiền vào việc khác.

Theo nhà đầu tư này, cùng thời điểm anh bỏ tiền vào các bất động sản tại các khu vực như Nhơn Trạch, Cần Giờ, Bình Thuận với vốn ban đầu thấp hơn nhưng mức lời tốt hơn. Trong đó có một số bất động sản bán ra và đã xoay dòng tiền vào các bất động sản khác trong vòng 1 đến 1,5 năm.

Một khu vực tại Tp.HCM 3 năm đất không tăng giá, nhà đầu tư sốt ruột khi nhìn khoản đầu tư “tụt dốc” - Ảnh 1.

Ghi nhận cho thấy, giá đất tại P.Long Phước, quận 9 hiện tại đã quay về giá của năm 2019. Điều này đồng nghĩa, nếu nhà đầu tư ôm đất khu vực này trong thời gian 2-3 năm trở lại đây đều không có lời, thậm chí “lỗ”. Đây là khu vực từng là “điểm nóng” bất động sản của Tp.HCM. Trong giai đoạn 2015 đến 2019, giá đất nơi đây tăng bằng lần. Rất nhiều nhà đầu tư thắng đậm ở phân khúc đất nền.

Các thông tin siêu dự án của Vingroup, cùng sự đổ bộ của các doanh nghiệp tư nhân về phân lô bán nền, làn sóng di dân… đã từng khiến đất đai khu vực này biến động tăng nhanh, nhất là giai đoạn 2017-2018. Thời điểm đó, giá đất tại đây tăng theo tuần, thậm chí theo ngày. Hoạt động đầu tư lướt sóng diễn ra liên tục.

Cùng với P.Long Trường, P.Trường Thạnh, P.Long Bình thì thị trường nhà đất P.Long Phước hiện tại đã tăng gấp 6-7 lần so với giai đoạn năm 2015. Việc chững giá ở giai đoạn này cho thấy, nhịp độ giá đất đã điều chỉnh rõ nét sau thời gian tăng nóng.

Ghi nhận cho thấy, những nhà đầu tư ôm đất tại P.Long Phước nói riêng, quận 9 nói chung trong vòng vài năm trở lại đây chấp nhận nhìn giá đất “tụt dốc”. Việc chờ đợi giá lên bằng thời điểm năm 2019-2020 cũng khá khó khăn trong bối cảnh thị trường hiện tại. Theo đó, giai đoạn này đã có nhiều nhà đầu tư chấp nhận bán lỗ, hoặc dù không áp lực tài chính nhưng vì tâm lý mà bán lỗ để thu lại dòng tiền.

Quận 9 vốn là khu vực rất ít có tình trạng nhà đất giảm giá mạnh, tính từ thời điểm năm 2015 đến nay. Thế nhưng, hiện tại tình trạng nhà đầu tư bán lỗ, giảm giá sâu đã lan rộng ra các khu vực ở phân khúc đất nền, nhà riêng lẻ. Điều này cho thấy, giai đoạn trước, bất động sản nơi đây chủ yếu là sân chơi của nhà đầu tư, nhà đầu cơ. Có nhiều mảnh đất dù đã “qua tay” nhiều nhà đầu tư khác nhau nhưng vẫn không có người về ở. Việc chững giá hoặc xuống giá ở giai đoạn này được xem là sự điều chỉnh phù hợp với nhu cầu ở thực sau khoảng thời gian dài tăng trưởng nóng.