Theo hãng thông tấn AP, Na Uy đang cho xây lại hàng rào đổ nát dọc biên giới với Nga ở Bắc Cực để ngăn những con tuần lộc của nước này chạy sang quốc gia láng giềng. Những "cuộc đi dạo" của chúng có thể khiến Oslo phải bồi thường khoản tiền rất lớn cho Moscow vì thiệt hại đồng cỏ.
Na Uy đang phải đối mặt với các khoản bồi thường rất lớn do tuần lộc chạy sang Nga. Ảnh: Barents Observer
Hôm thứ Năm, các quan chức Na Uy cho biết, tính từ đầu năm đến nay, 42 con tuần lộc của nước này đã chạy sang Nga để tìm kiếm đồng cỏ và vùng đất chăn thả tốt hơn.
Hàng rào chặn tuần lộc dọc biên giới Na Uy - Nga có chiều dài 150km, được xây dựng từ năm 1954. Cục Nông nghiệp Na Uy cho biết, đoạn hàng rào dài 7km giữa các thị trấn Hamborgvatnet và Storskog của Na Uy sẽ được thay thế.
Công trình với chi phí 348.000 USD dự kiến được hoàn tất trước ngày 1 tháng 10 năm nay. Tuy nhiên, quá trình xây dựng là một thách thức, bởi các công nhân phải đảm bảo họ ở đúng bên lãnh thổ của Na Uy tại "mọi thời điểm".
"Điều này khiến yêu cầu công việc trở nên khắt khe hơn" - Đại diện Cục Nông nghiệp Na Uy cho hay. Nếu một công nhân đi sang lãnh thổ Nga mà không có thị thực, điều đó sẽ bị coi là nhập cảnh bất hợp pháp.
Các khoản bồi thường đắt đỏ
Tình trạng đàn tuần lộc lén chạy sang lãnh thổ Nga mang lại nhiều rắc rối cho Na Uy. Cục Nông nghiệp Na Uy cho biết, phía Nga đã gửi tới 2 yêu cầu bồi thường, trong đó một yêu cầu đưa ra mức phí bồi thường lên tới 4.700 USD cho mỗi con tuần lộc "vượt biên" vào bên trong khu bảo tồn thiên nhiên Pasvik ở tỉnh Murmansk của Nga.
Yêu cầu còn lại là khoản thanh toán một lần trị giá 4,4 triệu USD cho tổng số ngày mà các con vật này lang thang trong các khu vực được bảo vệ của Nga.
Cục Nông nghiệp Na Uy cho biết, trong số 42 con tuần lộc chạy sang Nga, 40 con đã được đưa về Na Uy, 2 con còn lại dự kiến sẽ về trong thời gian tới.
Các công nhân phải đảm bảo họ ở bên lãnh thổ của Na Uy tại "mọi thời điểm". Ảnh: AP
Những con tuần lộc bị giết thịt
Đại diện Cục Nông nghiệp Na Uy cho biết, những con tuần lộc được trả về đã bị giết thịt vì sợ rằng chúng có thể quay trở lại Nga. Cơ quan An toàn thực phẩm Na Uy có thể yêu cầu tiêu hủy xác những con vật này vì lý do an toàn.
Tuần lộc được người Sami bản địa (được cho là có nguồn gốc từ Trung Á và định cư cùng đàn tuần lộc của họ ở Bắc Âu khoảng 9.000 năm trước) chăn thả ở miền trung và vùng Bắc Cực Na Uy. Theo truyền thống, người Sami sống ở Lapland, trải dài từ phía bắc Na Uy qua Thụy Điển và Phần Lan đến Nga. Trên khắp khu vực Bắc Cực, họ đa phần sống ở phía biên giới Na Uy.
Theo tờ Barents Observer, 40 con tuần lộc của Na Uy đã "vượt biên" sang Nga từ tháng 12/2022 và lang thang trong khu bảo tồn Pasvik suốt 2 tháng. Các chuyên gia Nga cho biết, loài động vật này đã gây thiệt hại cho thiên nhiên và công tác phục hồi sẽ phải mất nhiều năm.
Số tiền mà khu bảo tồn Pasvik đang yêu cầu Na Uy bồi thường tương đương với số tiền mà các công ty dầu mỏ phải trả cho những vụ rò rỉ lớn. Ảnh: Barents Observer
Bà Natalia Polikarpova, Giám đốc khu bảo tồn Pasvik cho hay, tuần lộc của Na Uy đã được phát hiện bằng bẫy camera. Ngoài tuần lộc, một số động vật hoang dã khác của Na Uy đã chạy sang Nga từ năm 2019, nhưng do đại dịch COVID-19 và hoàn cảnh địa-chính trị nên chúng mới được trả lại cho Na Uy trong thời gian gần đây.
Theo bà Polikarpova, khu bảo tồn Pasvik đã tính phí bồi thường bằng phương pháp mới được phát triển "dựa trên kinh nghiệm của Bộ Ngoại giao".
"Chúng tôi đã tính đến các nguyên tắc bồi thường hiện đang được sử dụng giữa Na Uy và Phần Lan, cũng như giữa Nga và Phần Lan" - Giám đốc khu bảo tồn cho hay.
"Lớp phủ thực vật dưới dạng địa y và cây bụi đã bị ăn mòn. Ngoài ra còn có dấu hiệu giẫm đạp bằng móng guốc, dẫn đến suy thoái thảm thực vật trong khu bảo tồn. Điều này càng ảnh hưởng đến sự gia tăng xói mòn đất. Nghĩa là chúng ta đang mất đi một thành phần của hệ sinh thái và sẽ phải mất nhiều năm để khôi phục" - Bà Polikarpova nói.
Vị giám đốc nhấn mạnh rằng, đây không phải là cuộc di cư tự nhiên của động vật hoang dã mà đây là những con tuần lộc nuôi trong nhà, thuộc sở hữu của những người chăn nuôi tuần lộc.
"Đây là sự thiếu tôn trọng đối với việc bảo tồn thiên nhiên mà Na Uy tuyên bố tuân thủ, đồng thời thiếu tôn trọng lợi ích của quốc gia khác" - Bà Polikarpova nhấn mạnh.
Số tiền mà Nga yêu cầu cho Na Uy bồi thường trong hai tháng chăn thả tuần lộc là rất lớn. Trả lời tờ Barents Observer, quyền giám đốc một trại chăn nuôi tuần lộc cho biết họ "chưa từng thấy" con số như vậy trước đây.
Theo Barents Observer, số tiền mà khu bảo tồn Pasvik đang yêu cầu Na Uy bồi thường tương đương với số tiền mà các công ty dầu mỏ phải trả cho những vụ rò rỉ lớn.