Một quốc gia Nam Á đang tích cực gom mạnh mặt hàng này của Việt Nam với giá siêu rẻ, xuất khẩu tăng hơn 1.000% trong 8 tháng đầu năm

Admin

Giá xuất khẩu mặt hàng này đã giảm mạnh 46,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắt thép các loại trong tháng 8/2023 đạt hơn 988.075 tấn với kim ngạch hơn 706,3 triệu USD, giảm 2% về lượng và giảm 3,5% về trị giá so với tháng 7/2023. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu sắt thép của nước ta thu về 5,69 tỷ USD với hơn 7,38 triệu tấn, tăng 24,4% về lượng nhưng giảm 6,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Giá xuất khẩu sắt thép các loại trung bình trong 8 tháng đầu năm đạt 771,6 USD/tấn, giảm 24,78% so với cùng kỳ năm trước.

Một quốc gia Nam Á đang tích cực gom mạnh mặt hàng này của Việt Nam với giá siêu rẻ, xuất khẩu tăng hơn 1.000% trong 8 tháng đầu năm - Ảnh 1.

Về thị trường, trong 8 tháng đầu năm, Italy là thị trường lớn nhất nhập khẩu sắt thép các loại của Việt Nam. Cụ thể trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu sang thị trường này thu về hơn 843,8 triệu USD với 1,19 triệu tấn, tăng 164% về lượng và tăng 65% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Đứng sau Italy là thị trường Campuchia và Mỹ với tổng giá trị xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm lần lượt là 755,3 và 716,7 triệu USD.

Đáng chú ý, giá xuất khẩu sắt thép của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2023 giảm mạnh so với 2022 nên một số nước có xu hướng tăng cường nhập hàng, trong đó có Ấn Độ.

Cụ thể, trong tháng 8/2023, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 45.098 tấn với kim ngạch 37,7 triệu USD. Trong khi đó, tháng 8/2022, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ nhập khẩu 17.797 tấn sắt thép với kim ngạch đạt 14,6 triệu USD.

Tính chung 8 tháng đầu năm, xuất khẩu sắt thép các loại sang thị trường này đạt 403.240 tấn, trị giá hơn 306,8 triệu USD, gấp hơn 1.065% về lượng và 522% về giá trị.

Một quốc gia Nam Á đang tích cực gom mạnh mặt hàng này của Việt Nam với giá siêu rẻ, xuất khẩu tăng hơn 1.000% trong 8 tháng đầu năm - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, giá xuất khẩu bình quân sang thị trường này trong 8 tháng đầu năm 2023 đạt 760,8 USD/tấn, giảm 46,6% so với cùng kỳ năm 2022 (1.425 USD/tấn).

Vượt Trung Quốc, Ấn Độ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới trong năm 2023. Lĩnh vực xây dựng của đất nước Nam Á do đó đang trong giai đoạn bùng nổ.

Theo cơ quan nghiên cứu ICRA, nhu cầu thép ở Ấn Độ dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng hai con số khoảng 11,3% trong năm tài chính 2023 sau khi tăng trưởng 11,5% trong năm tài chính 2022. Điều này đến từ việc hỗ trợ của Chính phủ Ấn Độ để xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy nền kinh tế.

Ấn Độ được gọi là cứu tinh của ngành thép thế giới bởi nhiều lý do. Đáng chú ý nhất là chi tiêu đầu tư của Chính phủ vẫn sẵn sàng tăng thêm 37% so với cùng kỳ năm trước trong năm tài chính 2023-2024. Vì lý do này, tăng trưởng về tiêu thụ thép được ICRA điều chỉnh tăng từ 6-7% lên 7-8%.

Nhu cầu sử dụng thép của Ấn Độ được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới khi nước này đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Từ đó, mở ra nhiều cơ hội mới đối với doanh nghiệp xuất khẩu thép Việt Nam.