Nạp đạn cho hệ thống NASAMS.
Trong tuyên bố hôm 12/7, Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Bjorn Arild Gram cho biết, chính phủ nước này đã đồng ý cung cấp thêm hai hệ thống NASAMS cùng một số vũ khí khác cho Ukraine trong gói viện trợ quân sự mới dành cho Kiev.
"Phòng không là lực lượng cần được ưu tiên hàng đầu tại Ukraine. Họ cần thêm vũ khí giúp ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa, UAV và không quân của Nga", ông Gram cho biết.
NASAMS là một trong những hệ thống phòng không tầm ngắn tiên tiến nhất được phát triển ở phương Tây cho đến nay, có khả năng tấn công nhiều mục tiêu trên không, từ máy bay đến tên lửa hành trình và UAV.
Một hệ thống hoàn chỉnh gồm radar AN/MPQ-64 Sentinel, tên lửa đất đối không tầm trung tiên tiến (AMRAAM) và Trung tâm phân phối hỏa lực (FDC) do Kongsberg phát triển. Cụm FDC có thể kiểm soát cùng lúc 9 bệ phóng với 54 đạn tên lửa sẵn sàng khai hỏa.
Hệ thống vẫn hoạt động bình thường ngay cả khi một số trận địa bị phá hủy hoặc ngừng hoạt động, giúp tăng khả năng sống sót trước những đòn chế áp phòng không bằng tên lửa diệt radar của Nga.
NASAMS có tầm bắn khoảng 25-30 km, có độ chính xác cao. Tổ hợp này cũng có thể khai hỏa mọi mẫu tên lửa được dùng trên chiến đấu cơ NATO.
Dù NASAMS được phương Tây và Ukraine đánh giá rất cao nhưng chuyên gia Alexander Mikhailov, thuộc Viện Phân tích Chính trị - Quân sự có trụ sở tại Moskva tỏ ra hoài nghi về tính hiệu quả của vũ khí này khi tác chiến tại Ukraine.
"Chúng (NASAMS) chỉ giúp Ukraine kiểm soát một phần không phận, bảo vệ cơ sở hạ tầng quân sự hoặc các nhà máy công nghiệp thiết yếu. Nhiệm vụ chính của NASAMS sẽ là đối phó với UAV tự sát", chuyên gia Alexander Mikhailov nói.
NASAMS sử dụng tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM, có tầm bắn khoảng 25-30 km và độ chính xác cao. Tuy nhiên, Mikhailov cho rằng tên lửa AMRAAM quá đắt đỏ, khiến nỗ lực đánh chặn các UAV giá rẻ sẽ rất tốn kém và khó duy trì trong thời gian dài.
"Mỗi quả đạn AMRAAM xuất khẩu có giá hơn một triệu USD, không phù hợp để đánh chặn mục tiêu chỉ vài chục nghìn USD như UAV.
Nga đang áp dụng chiến thuật mở màn tiến công bằng lượng lớn UAV tự sát, sau đó tung đòn quyết định bằng tên lửa. Đối phương sẽ phải khai hỏa nhiều đạn đánh chặn đắt tiền trước khi đối mặt với những tên lửa hiện đại", ông nói.
UAV tự sát đặt ra nhiều mối đe dọa, nhưng chưa có phương án đối phó thật sự hiệu quả. Chúng thường có giá tương đối rẻ, dễ dàng triển khai với số lượng lớn và mang lượng thuốc nổ đủ mạnh để gây thiệt hại cho các cơ sở quân sự quan trọng.
Đây được coi là kịch bản ác mộng với mọi quốc gia, khi hàng chục UAV giá rẻ cùng lao tới mục tiêu từ nhiều hướng, gây quá tải hệ thống phòng không.