Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chính thức rơi vào giảm phát

Admin

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Trung Quốc chỉ loanh quanh mức 0,5%, thấp hơn nhiều so với mức 3% đặt ra cho năm 2023.

Nền kinh tế Trung Quốc đã rơi vào tình trạng giảm phát sau khi giá tiêu dùng giảm lần đầu tiên kể từ đầu năm 2021, cho thấy những thách thức mà các nhà hoạch định chính sách nước này phải đối mặt để vực dậy nhu cầu tiêu dùng.

Theo số liệu thống kê chính thức được Cục thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 9/8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Trung Quốc (thước đo lạm phát chính) đã giảm 0,3% so với cùng kỳ trong tháng 7 sau khi giữ nguyên trong tháng 6.

Chỉ số giá sản phẩm (PPI, thước đo giá cả hàng hóa khi chúng rời cổng nhà máy) ở nước này cũng giảm tháng thứ mười liên tiếp xuống 4,4% so với một năm trước đó, sau khi giảm 5,4% trong tháng 6.

Trung Quốc đã ở bên bờ vực giảm phát trong nhiều tháng qua do chi tiêu của người tiêu dùng không phục hồi mạnh mẽ như dự kiến, dù chính quyền dỡ bỏ các hạn chế về đại dịch từ đầu năm 2023.

“Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang có nguy cơ nghiêm trọng trượt vào giai đoạn giảm phát. Vấn đề này có thể ảnh hưởng lớn đến quá trình tăng trưởng cũng như niềm tin của khu vực tư nhân. Chính phủ nước này cần hành động nhanh chóng và dứt khoát để đặt nền tảng cho tăng trưởng và hạn chế giảm phát trước khi vấn đề vượt quá tầm kiểm soát”, ông Eswar Prasad, một chuyên gia tài chính Trung Quốc tại Đại học Cornell, cho biết.

Sau khi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế Covid-19, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã cố gắng tạo niềm tin vào nền kinh tế bằng cách cắt giảm lãi suất và đưa ra các ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp, nhưng không đưa ra được các biện pháp kích thích lớn.

Thế giới - Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chính thức rơi vào giảm phát

Nhu cầu trong nước ngày càng suy yếu đã trở thành một vấn đề đáng lo ngại đối với nền kinh tế Trung Quốc. Ảnh: SCMP

NBS cho biết, lạm phát giá tiêu dùng trung bình từ đầu năm đến nay chỉ ở mức 0,5%, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ lạm phát mục tiêu mà chính phủ nước này đặt ra cho năm nay là 3%.

Mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Bắc Kinh là 5% cho năm 2023, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Ban đầu, đây được cho là mục tiêu quá thận trọng, nhưng dữ liệu yếu liên tục trong nhiều tháng qua đã làm tăng thêm tâm lý bi quan về triển vọng tăng trưởng của nước này.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng trưởng 0,8% trong nửa đầu năm 2023, trong khi dữ liệu được công bố hôm 8/8 cho thấy xuất khẩu tháng 7 giảm 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch. Nhập khẩu cũng giảm 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 1.

Theo ông Dan Wang, một nhà kinh tế tại ngân hàng Hang Seng có trụ sở tại Thượng Hải cho biết, các con số lạm phát và thương mại là “sự phản ánh sức mua thấp hơn và niềm tin của người tiêu dùng yếu”.

Giá tiêu dùng ở Trung Quốc đã bị ảnh hưởng mạnh trong những năm gần đây bởi giá thịt lợn (giảm 26% trong tháng 7 so với năm ngoái). Tỉ lệ lạm phát lõi, không bao gồm giá của các mặt hàng dễ biến động như thực phẩm và năng lượng), tăng 0,8% trong tháng 7.

Giá sản xuất, chủ yếu do chi phí hàng hóa và nguyên liệu thô, đã bị sa lầy trong vùng âm trong 10 tháng qua, trong khi hoạt động sản xuất đã giảm trong 4 tháng liên tiếp, phản ánh nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc đang giảm.

Theo các nhà phân tích, Trung Quốc cần cải cách và hỗ trợ chính sách nhiều hơn để xoay chuyển tình hình kinh tế thông qua các biện pháp như tăng chi tiêu công, cắt giảm lãi suất và thuế, đồng thời hoàn thiện mạng lưới an sinh xã hội nhằm thúc đẩy tiêu dùng.

Nguyễn Tuyết (Theo SCMP, Financial Times)