Nga và Ukraine trả đũa lẫn nhau, Biển Đen đối mặt nguy cơ bị quân sự hóa

Admin

Cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể dẫn đến nguy cơ quân sự hóa Biển Đen khi cả Nga và Ukraine đều cảnh báo rằng các nước này có thể nhắm vào các tàu thuyền mà họ cho là tàu chở hàng quân sự đi qua vùng biển này.

Theo giới phân tích, đây là bước leo thang nguy hiểm, có thể gây rủi ro cho tàu thuyền thương mại và khiến các quốc gia khác bị cuốn vào cuộc xung đột.

Nga và Ukraine trả đũa lẫn nhau

Trước đó hôm 19/7, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố nước này sẽ coi tất cả các tàu di chuyển trên Biển Đen đến các cảng của Ukraine là "tàu chở hàng hóa có thể được dùng cho mục đích quân sự", bắt đầu từ 0h ngày 20/7. Theo Hãng tin Tass, Bộ này cũng cho biết sẽ xem các nước có quốc kỳ treo trên tàu đi đến các cảng của Ukraine là các bên ủng hộ Kiev trong cuộc xung đột hiện nay.

Nga và Ukraine trả đũa lẫn nhau, Biển Đen đối mặt nguy cơ bị quân sự hóa - Ảnh 1.

Đội tàu chở hàng tham gia thỏa thuận ngũ cốc biển Đen chờ đi qua eo biển Bosphorus ngoài khơi bờ biển Yenikapi, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Reuters)

Một ngày sau tuyên bố của Nga, Ukraine có động thái đáp trả tương tự. Bộ Quốc phòng Ukraine nêu rõ tất cả tàu di chuyển trên Biển Đen hướng đến cảng của Nga và cảng Ukraine đang bị Nga kiểm soát đều có thể bị coi là tàu chở hàng quân sự từ ngày 21/7 và sẽ chịu rủi ro tương ứng. Bộ này cảnh báo các tàu Nga ở Biển Đen có thể chịu số phận tương tự như tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Moskva, mà Ukraine đã đánh chìm ở Biển Đen vào tháng 4/2022.

Động thái trên diễn ra sau khi Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen – một thỏa thuận do Liên Hợp Quốc làm trung gian cho phép Ukraine xuất khẩu lương thực và phân bón từ một số cảng quan trọng ra thế giới, nhằm tránh một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Một quan chức Nhà Trắng cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden có thông tin rằng Nga có thể mở rộng cuộc tấn công vào các cơ sở hạ tầng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Theo các quan chức Ukraine, kể từ khi rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc, Nga đã tiến hành một loạt cuộc tấn công vào các thành phố cảng Odesa và Mykolaiv của nước này

Còn Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adam Hodge cáo buộc Nga đặt thủy lôi tại lối vào các cảng của Ukraine. “Chúng tôi tin rằng đây là những nỗ lực để biện minh cho các cuộc tấn công nào nhằm vào tàu dân sự ở Biển Đen và đổ lỗi cho Ukraine về hành động này”. Nhưng Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov đã bác bỏ cáo buộc, khẳng định họ không có ý định tấn công các tàu dân sự.

Cảnh báo mới nhất của Nga và Ukraine đã làm gia tăng nguy cơ xung đột có thể nổ ra quanh khu vực từ lâu đã là tuyến đường thương mại quan trọng để đưa ngũ cốc, nông sản và phân bón của Ukraine ra thế giới. Theo giới phân tích, Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen có lẽ là điểm sáng duy nhất trong cuộc xung đột ảm đạm kéo dài gần 18 tháng qua, làm giảm bớt nguy cơ thiếu lương thực tại những quốc gia phụ thuộc vào mặt hàng xuất khẩu của Ukraine. Khi thỏa thuận bị hủy bỏ, giá lúa mì đã tăng vọt 12%.

Nguy cơ quân sự hóa Biển Đen

Hiện vẫn chưa rõ có bất cứ tàu thuyền thương mại nào bị nhắm mục tiêu sau tuyên bố của Nga và Ukraine hay không. Các dữ liệu công khai cho thấy, mỗi ngày có hàng chục tàu chở hàng và tàu container hoạt động quanh Biển Đen. Về mặt kỹ thuật, cả Nga và Ukraine đều có khả năng giáng đòn nặng nề vào những con tàu mà họ cho là tàu quân sự. Moscow có thể triển khai Hạm đội Biển Đen còn Ukraine có thể triển khai máy bay không người lái. Ngoài ra, hai bên cũng có thể sử dụng tên lửa chống hạm.

Đây không phải lần đầu tiên các vùng biển đối mặt nguy cơ bị quân sự hóa do một cuộc xung đột gần kề. Trong cuộc chiến Iran-Iraq năm 1980, xung đột giữa hai bên đã lan sang Vịnh Ba Tư và Eo biển Hormuz. Hàng loạt tàu chở dầu, tàu chở hàng, tàu tiếp tế, thậm chí tàu kéo đã bị tấn công.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, khó có khả năng xảy ra các cuộc xung đột trên diện rộng tại Biển Đen, bất chấp lời lẽ gay gắt của cả Nga và Ukraine. Sidharth Kaushal, chuyên gia hải quân tại Viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh Hoàng gia Anh (RUSI), cho rằng: “Mục tiêu chính của Nga là làm suy yếu nền kinh tế Ukraine. Nếu họ có thể làm điều đó mà không cần súng đạn, họ sẽ rất có lợi. Nhưng điều này phản ánh thực tế rằng, Nga không đạt được những bước tiến trên thực địa theo cách nước này mong muốn”.

Còn theo một số nhà quan sát, chiến lược của Nga đe dọa tuyến đường thương mại chính của Ukraine có thể có 2 mục đích, trước hết là buộc phương Tây phải dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt đang bóp nghẹt thương mại của Nga, tiếp đến, việc làm suy yếu nền kinh tế Ukraine sẽ khiến Kiev cắt giảm kinh phí cho các hoạt động quân sự.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu các tàu thuyền thương mại có sẵn sàng chấp nhận rủi ro để đi qua Biển Đen và liệu Tổng thống Zelensky có thể tìm được tuyến đường khác để xuất khẩu ngũ cốc hay không. Trước khi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được ký kết, Ukraine thường vận chuyển ngũ cốc tới các nơi khác bằng xe tải, tàu hỏa hoặc bằng tuyến đường sông. Rabobank, một ngân hàng Hà Lan cho rằng khi thỏa thuận bị hủy bỏ, Ukraine vẫn có thể xuất khẩu lúa mì, ngô, lúa mạch và hạt hướng dương của mình thông qua các tuyến đường thay thế. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, chi phí vận chuyển sẽ trở nên đắt đỏ hơn và cơ sở hạ tầng đường sắt hoặc đường bộ sẽ có nguy cơ bị tấn công cao hơn.