Ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam chuẩn bị trả cổ tức tiền mặt, chốt quyền vào tuần tới

Với tỷ lệ 5%/mệnh giá (500 đồng/cp), số tiền mà ngân hàng này dự kiến dùng để chia cổ tức là 3.967 tỷ đồng.
Ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam chuẩn bị trả cổ tức tiền mặt, chốt quyền vào tuần tới- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) vừa thông báo 16/5/2025 là ngày đăng ký cuối cùng để hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt. Cổ tức sẽ được thanh toán vào ngày 23/5. 

Với tỷ lệ chi trả là 5%/mệnh giá (500 đồng/cp), số tiền mà VPBank dự kiến dùng để chia cổ tức là 3.967 tỷ đồng.

Đây là năm thứ ba liên tiếp VPBank trả cổ tức tiền mặt. Trước đó, năm 2024, VPBank đã chi tới 7.934 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 10%. Tổng cộng ba năm, ngân sách dành cho cổ tức tiền mặt đã đạt gần 20.000 tỷ đồng.

Trước đó, Ban lãnh đạo VPBank đã tuyên bố duy trì chính sách cổ tức tiền mặt trong 5 năm liên tiếp (từ năm 2023).

Chia sẻ tại Đại hội thường niên 2025, Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng cho biết việc chia cổ tức được thực hiện sao cho vừa đáp ứng nhu cầu của cổ đông, vừa đảm bảo ngân hàng vẫn có đủ vốn để duy trì tăng trưởng ở mức tương đối cao theo chiến lược đã đề ra.

Cũng theo ông Dũng, đối với lĩnh vực ngân hàng, vốn vô cùng quan trọng và phải cân đối mục tiêu lâu dài là đủ vốn dành cho tăng trưởng và nhu cầu cổ tức tiền mặt của cổ đông.

"Từ năm 2010-2022, chúng ta kiên trì không chia cổ tức để phát triển ngân hàng và đã đạt được mức tăng trưởng vượt trội so với bình quân toàn ngành. Năm 2022, cân đối mục tiêu tăng trưởng dài hạn và nhu cầu cổ tức tiền mặt của cổ đông, VPBank đã bắt đầu chia cổ tức bằng tiền mặt. 3 năm vừa qua, ngân hàng đã dành gần 20.000 tỷ đồng để chia cổ tức, đáp ứng nhu cầu cổ đông mà vẫn đảm bảo các năm tiếp theo vẫn đủ vốn để duy trì tăng trưởng cao", ông Dũng cho hay.

Theo ông Dũng, VPBank sẽ tiếp tục duy trì chính sách chia cổ tức bằng tiền mặt trong hai năm tới. Tuy nhiên, mức chia cụ thể sẽ phụ thuộc vào tình hình kinh doanh, tình hình huy động vốn và tăng trưởng từng năm.

"Nhưng tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng VPBank sẽ tiếp tục duy trì việc chia cổ tức tiền mặt cho năm thứ tư và năm thứ năm", ông Dũng nhấn mạnh.

Kể từ đầu năm 2025, VPBank là ngân hàng thứ ba thông báo ngày chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức tiền mặt. 

Trước đó, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) thông báo 14/5 là ngày đăng ký cuối cùng hưởng quyền nhận cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 10%. Ngày thanh toán cổ tức là 23/5/2025. Nguồn chi trả lấy từ lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm 31/12/2024. Với tỷ lệ 10%/mệnh giá (1.000 đồng/cp), dự kiến TPBank sẽ chi 2.642 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông.

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 23/4 để trả cổ tức tiền mặt năm 2024 với tỷ lệ 7%. Theo đó, VIB dự kiến chi 2.085 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 7% (1 cổ phiếu nhận 700 đồng). Thời gian thực hiện vào 23/05.

Ngoài VPBank, TPBank và VIB, còn có 6 ngân hàng đã thông qua kế hoạch trả cổ tức tiền mặt trong năm 2025, gồm: ACB, Techcombank, LPBank, SHB, OCB, MB.

Theo số liệu báo cáo tài chính quý I/2025, VPBank là ngân hàng tư nhân có quy mô tài sản lớn nhất hệ thống, chỉ đứng sau nhóm ngân hàng do Nhà nước nắm quyền chi phối là (BIDV, Agribank, VietinBank, Vietcombank, MB).

Tính đến 21/3/2025, tổng tài sản VPBank đạt hơn 994.000 tỷ, tăng 8% so với cuối năm 2024. Dự kiến trong quý II/2025, quy mô tổng tài sản VPBank sẽ đạt mốc 1 triệu tỷ đồng.

Đứng sau VPBank lần lượt là Techcombank, ACB, SHB, Sacombank và HDBank.

Ba ngân hàng hiện có tổng tài sản thấp nhất hệ thống là Kienlongbank (97.164 tỷ đồng) ; PGBank (73.552 tỷ đồng) và Saigonbank (33.506 tỷ đồng).