Ngàn người ở TP Biên Hòa lo sợ khi trời chuyển mưa

Admin

Người dân TP Biên Hòa đều rất lo mỗi khi trời chuyển mưa, bởi chỉ một cơn mưa vừa cũng đã kịp nhấn chìm nhiều tuyến đường nơi đây

Từ khi rơi vào danh sách những "đô thị ngập", chính quyền TP Biên Hòa và cả tỉnh Đồng Nai đã đưa ra nhiều giải pháp với không ít dự án chống ngập. Tuy nhiên, sau gần 7 năm căng mình chống, tình trạng ngập lụt ở đô thị Biên Hòa cũng không mấy cải thiện.

Thấy mây đen là nháo nhào

Hình ảnh ngập sâu, ngàn người bơ phờ ở các tuyến đường như Đồng Khởi (phường Trảng Dài), Võ Nguyên Giáp (phường Phước Tân), khu vực cổng 11 giao giữa phường Long Bình và Phước Tân... trong và sau những trận mưa vừa qua, đã minh chứng rõ nhất cho thực tế ngập vẫn hoành hành ở TP Biên Hòa.

Anh Nguyễn Minh Quang (40 tuổi; nhà ở đường Đồng Khởi, phường Trảng Dài) bức xúc nói từ đầu tháng 5 tới nay, cứ mỗi lần mưa, anh và nhiều người phải khổ sở khi đi qua đường Đồng Khởi. Đây là điểm ngập kéo dài nhiều năm nay. Cứ mưa kéo dài là đường lại mênh mông nước. Nước ngập, chảy xiết không thấy đâu là đường, đâu là miệng cống. "Ở đây, hình ảnh quen thuộc và ám ảnh nhất khi mưa là nước chảy cuồn cuộn cuốn hàng loạt xe máy, buộc nhiều người phải lao ra ứng cứu. Hai bên vỉa hè, những tiệm sửa xe máy quá tải. Ở những đoạn ít ngập của con đường là hình ảnh kẹt xe không lối thoát..." - anh Quang ngao ngán.

Theo anh Quang, không chỉ anh mà nhiều người dân ở phường Trảng Dài đã từng hy vọng năm nay khu vực đường Đồng Khởi sẽ hết ngập nhưng đến bây giờ có thể nói là ai cũng thất vọng! "Năm ngoái, nghe tin thành phố đã có nhiều phương án, dự án chống ngập khá quyết liệt trong thời gian qua, những tưởng mùa mưa năm nay đã bớt khổ, vậy mà một vài cơn mưa đổ xuống đã thấy… khổ trăm bề" - chị Thanh (vợ anh Quang) nói. Theo chị Thanh, bây giờ, cứ thấy trời chuyển mưa là cả gia đình cùng lo lắng.

Ngàn người ở TP Biên Hòa lo sợ khi trời chuyển mưa  - Ảnh 1.

Mưa xuống là đường Đồng Khởi (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) chìm trong nước

Tương tự, nằm ở phường Long Bình Tân, nhiều năm qua, mỗi khi trời mưa là thầy và trò Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh lại vất vả chống chọi. "Cả khuôn viên nhà trường biến thành sông. Lớp học, các phòng chức năng, sân bóng đều bị ngập hàng giờ. Ngoài hoạt động ngoài trời bị ngưng trệ, việc dạy và học cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chưa kể, khi nước rút để lại một bãi bùn dày, cả thầy và trò cùng dọn dẹp "bở hơi tai". Trước khi chống được ngập, tôi chỉ mong nhà trường được cấp kinh phí để nâng cấp, sửa chữa những hạng mục đang rệu rã vì ngập úng" - thầy Nguyễn Xuân Hoài Phước, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, kiến nghị.

Thành phố cao nguyên Đà Lạt cứ mưa là ngập thì không ổn!

Ở TP Biên Hòa, theo đánh giá của nhiều người thì điểm ngập gây ngán ngẩm là khu vực cổng 11. Ở điểm ngập này, người dân không ngừng than phiền và mong chính quyền, ngành chức năng sớm có giải pháp căn cơ để khắc phục, bởi thiệt hại của họ ngày càng lớn. "Cứ thấy mây đen kéo đến là mọi người nháo nhào. Người thì tranh thủ đi rước con về thật sớm, người thì quơ vội hàng hóa để lên cao, người thì mặc áo mưa để túc trực nếu nước tràn vào nhà cần phải nhanh chóng gia cố... Nói chung, trời chuyển mưa là cuống cuồng, mưa xuống là khổ trăm bề" - bà Hạnh, một cư dân sinh sống ở khu vực cổng 11, nói.

Lý giải của người trong cuộc

Theo UBND TP Biên Hòa, đến đầu tháng 7 vừa qua, công trình chống ngập cho đường Đồng Khởi, đoạn từ cầu Đồng Khởi đến ngã ba Thiết Giáp (thuộc phường Tân Phong và Trảng Dài), đã được khởi công, với tổng mức đầu tư hơn 23 tỉ đồng do UBND TP Biên Hòa làm chủ đầu tư.

Theo kế hoạch, đơn vị thi công sẽ thực hiện các hạng mục lắp đặt, xây dựng 2 đường cống hộp bê-tông kích thước 2 x 2 m hai bên tuyến đường với chiều dài mỗi bên khoảng 320 m; lắp đặt, xây dựng khoảng 210 m đường cống bê-tông tròn đường kính 1,5 m để thoát nước xuống suối Săn Máu. Cạnh đó, sẽ thi công các hố ga, lắp đặt lưới thu nước trên tuyến đường và các tuyến hẻm trong khu vực để thu nước về hệ thống cống bê-tông tròn thoát nước xuống suối Săn Máu. Trước đó, vào đầu năm 2023, sau hơn chục năm chờ đợi, dự án chống ngập úng khu vực các suối Chùa, Bà Lúa và Cầu Quan đã được khởi công xây dựng. Đây là dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư. Dự án hướng đến mục tiêu giảm tình trạng ngập úng khi trời mưa đối với khu vực các phường Long Bình, Long Bình Tân, Phước Tân, An Hòa cũng như trên tuyến Quốc lộ 51.

Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Hà cho biết sau khi được khởi công, cả 2 dự án chống ngập nói trên đều đã được các cơ quan chức năng phối hợp, triển khai các công việc để đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai thi công các hạng mục của các dự án này gặp nhiều khó khăn. Trong đó, việc triển khai thi công các hạng mục của dự án chống ngập các suối Chùa, Bà Lúa và Cầu Quan hiện nay chỉ đạt khoảng 35% dù dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023.

CLIP: Ngập kinh hoàng ở TP Biên Hòa, nhiều người chỉ biết than trời!

Liên quan đến dự án chống ngập các suối Chùa, Bà Lúa và Cầu Quan, đại diện nhà thầu thi công dự án - Công ty TNHH Tư vấn Kỹ thuật Xây dựng Đồng Nai - cho hay hiện nay trên tuyến vẫn còn một số hộ dân chưa bàn giao mặt bằng dẫn đến tình trạng "da beo". Do đó, nhà thầu mong muốn được bàn giao mặt bằng sớm để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành công trình theo hợp đồng đã ký kết. "Nếu có mặt bằng thông suốt, chúng tôi sẽ tập trung máy móc, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thi công từng khu vực một thì tiến độ sẽ nhanh hơn so với việc phải phân tán lực lượng thi công như hiện nay" - đại diện nhà thầu thi công khẳng định.

Ở dự án chống ngập cho đường Đồng Khởi, Chủ tịch UBND TP Biên Hòa Đỗ Khôi Nguyên cho biết đang tập trung đẩy nhanh tiến độ. "Phấn đấu đến cuối năm 2023 sẽ hoàn thành đúng như kế hoạch dự kiến hoặc chậm nhất quý I/2024 sẽ hoàn thành, giải quyết dứt điểm "rốn ngập" trên đường Đồng Khởi" - Chủ tịch UBND TP Biên Hòa cam kết.

Để giải bài toán chống ngập tổng thể cho TP Biên Hòa, ông Hồ Văn Hà cho rằng ngoài hàng chục dự án đang và đã có kế hoạch triển khai, về lâu dài, cần phải đầu tư dự án xử lý nước thải tập trung; tăng tốc triển khai các công trình chống ngập; khơi thông, nạo vét các cống, mương, suối, tuyên truyền người dân không xả rác bừa bãi... 

Ở phường Long Bình Tân và Phước Tân (TP Biên Hòa) có 1.162 nhà dân bị ngập nước, trong đó khoảng 100 nhà bị ngập sâu từ 1-1,2 m.