Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết tính đến ngày 30/9, tín dụng tăng 9% so với đầu năm và tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
"Thông thường, tín dụng sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm, vì vậy năm nay mục tiêu tăng 15% là hoàn toàn khả thi", bà Hồng nhấn mạnh.
Trước đó, theo số liệu của NHNN, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tính đến ngày 17/9/2024 đạt 7,38% so với cuối năm 2023 và mới chỉ đạt 6,63% vào cuối tháng 8.
Như vậy, trong tháng 9, tăng trưởng tín dụng đã tăng thêm gần 2,4 điểm %, tương đương với quy mô là khoảng 300.000 tỷ đồng. Riêng trong nửa cuối tháng 9, lượng tín dụng được hệ thống ngân hàng bơm ra nền kinh tế là gần 220.000 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2024, NHNN đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD tương ứng với mức tăng trưởng chung khoảng 15%. Với dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế vào cuối năm 2023 là gần 13,569 triệu tỷ đông, hệ thống ngân hàng đặt mục tiêu sẽ cho vay thêm khoảng 2 triệu tỷ trong năm 2024.
Kết thúc 9 tháng đầu năm, ngành ngân hàng đã cho vay thêm được 1,2 triệu tỷ đồng, thực hiện được khoảng 60% mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra và hạn mức có thể cho vay thêm trong quý 4 còn khoảng 800.000 tỷ đồng.
Trước đó, nhiều ngân hàng báo cáo tốc độ tăng trưởng tín dụng cao trong những tháng gần đây và đề nghị NHNN cấp thêm room.
Chia sẻ tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các ngân hàng thương mại cổ phần, chiều ngày 21/9, ông Hồ Nam Tiến, Tổng Giám đốc LPBank cho biết tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đã đạt 15,97% (dư nợ tăng thêm là gần 44.000 tỷ đồng), con số công bố cao nhất toàn hệ thống tới thời điểm hiện tại.
Cũng tại sự kiện trên, Chủ tịch HDBank Kim Byoungho cho biết tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đến nay đã đạt trên 15% so với đầu năm, quy mô dư nợ vượt 390.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ ở mức 1,74%.
Để thúc đẩy tín dụng, đại diện HDBank đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét giao thêm chỉ tiêu cho các tổ chức tín dụng có năng lực cung ứng vốn tốt trên cơ sở cân đối các mục tiêu điều hành, tiếp tục rà soát tình hình trong quý IV.
Tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), con số tăng trưởng tín dụng cũng ở mức cao so với toàn ngành, tính đến hết tháng 8 dư nợ tín dụng đạt khoảng 685.000 tỷ đồng, tăng trưởng 11,14% so với năm 2023, cuối quý II con số này là 9,4%.
Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch MB, cho biết phần lớn (47%) dư nợ tăng mới hay 32.700 tỷ đồng được phân bổ cho phân khúc bán lẻ, cho vay sản xuất kinh doanh (tăng trưởng khoảng 20% so với năm trước).
Cập nhật đến hết tháng 8, lãnh đạo Nam A Bank tiết lộ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng hiện ở mức 14%, tương ứng đã sử dụng 85% room được NHNN giao và kỳ vọng sẽ được nới thêm.
ở chiều ngược lại, một số ngân hàng vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng chưa đạt kỳ vọng.
Theo bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Tổng Giám đốc Sacombank, dù đã áp dụng nhiều giải pháp và cơ chế thúc đẩy, tuy nhiên tăng trưởng tín dụng của Sacombank nói riêng vẫn chưa đạt kỳ vọng do một số khó khăn vướng mắc như: Nhu cầu vốn vẫn khá thấp do tình hình xuất khẩu và tiêu dùng nội địa chưa hồi phục; Nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, thận trọng với rủi ro nên chưa mạnh dạn sử dụng vốn vay.
Bên cạnh đó, thu nhập của người mua bất động sản giảm, trong khi nguồn cung phục vụ nhu cầu để ở với giá thành hợp lý chưa đáp ứng. Các công ty/dự án bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn khi pháp lý chưa hoàn thiện, năng lực tài chính suy giảm nghiêm trọng.
Ngoài yếu tố thu nhập người dân giảm sút do kinh tế khó khăn, yếu tố bùng phát các loại hình cho vay qua ứng dụng với điều kiện cho vay nới lỏng, không cần tài sản thế chấp đã chia số thị phần tín dụng tiêu dùng nên tín dụng tiêu dùng tăng chậm.
Về giải pháp, Tổng Giám đốc Sacombank cho rằng, cần tiếp tục kéo giảm chi phí vốn, giảm mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ tiếp tục duy trì chính sách tài khóa mở rộng kích thích tổng cầu nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Thực hiện các giải pháp giảm thuế, phí để hỗ trợ trực tiếp cho cầu tiêu dùng, giúp tăng sức mua nền kinh tế;....
Hết nửa đầu năm, tăng trưởng tín dụng của VIB cũng thấp hơn mức tăng chung của toàn hệ thống.
Chia sẻ tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần, Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ cho biết do ngành ngân hàng ngày càng gia tăng tỷ trọng tín dụng bán lẻ trong danh mục tín dụng của mình, tài sản bảo đảm là nhà đất, căn hộ chiếm tỷ lệ trọng yếu trong tổng số tài sản bảo đảm, nên sự phục hồi của thị trường bất động sản không những tác động tích cực tới nền kinh tế mà giúp các ngân hàng tăng cường cho vay và xử lý được nợ xấu
Chủ tịch VIB mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, từ đó giúp ngân hàng gia tăng tín dụng an toàn, mạnh mẽ. Đồng thời, tiếp tục thực thi chính sách không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng để tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá nhằm tránh những hệ lụy về sau ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của các ngân hàng và sự ổn định của hệ thống.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong quý IV/2024, các tổ chức tín dụng (TCTD) kỳ vọng tăng trưởng dư nợ quý IV đạt 4,8% và trong cả năm 2024 là 13,2%. Kết quả này thấp hơn 0,9 điểm % so với mức dự báo tăng trưởng tín dụng 14,1% cho cả năm vào kỳ điều tra trước.