Ông Tần, 67 tuổi, người Trung Quốc, chưa bao giờ nghĩ rằng, tuổi già sẽ phải sống ở quê một mình. Mấy ngày trước đó, vợ ông vừa chuyển lên thành phố vì con trai nhờ trông cháu trong giai đoạn nghỉ hè. Ông Tần cũng ngỏ ý muốn lên cùng, để được ở bên con cháu, tuy nhiên con dâu lại tỏ ra không mấy vui vẻ với đề nghị này.
Ở tuổi trung niên, mặc dù có con cháu, nhưng quan hệ giữa ông với các con không hề thân thiết. Nguyên nhân sâu xa xuất phát từ 2 sai lầm khi ông Tần còn trẻ. Điều này khiến ông hối hận không thôi.
1. Can thiệp quá nhiều vào định hướng tương lai của con
Ngày trước, điều kiện gia đình không tốt, dù con trai học khá nhưng sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông Tần không đồng ý cho con tiếp tục học tiếp đại học. Ông cho rằng, học phí đại học quá tốn kém, ra trường cũng chỉ đi làm việc như bao người khác, như vậy "lỗ quá". Vì từ trước đến nay, ông là một người gia trưởng nên luôn đưa ra mọi quyết định chính trong nhà và lần này cũng vậy. Cuối cùng, ngay cả vợ ông cũng không nói lời phản đối nào.
Sau đó, ông xin cho con đi học sửa ô tô nhưng con không chịu. Cậu thanh niên khi đó đáp lời: "Con đã nghe lời bố không học đại học rồi. Giờ bố để con tự quyết định học nghề nào được không?"
Lần đầu tiên bị phản kháng nên ông Tần khá tức giận. Ông quát: "Bố nói vậy là tốt cho con! Học đại học tốn tiền rồi đi làm thuê cho người ta, giờ học sửa ô tô xong mở tiệm làm chủ không sướng à?!"
Con trai vẫn cương quyết không đồng ý. Cậu nói rõ, mình có thể không vào đại học nhưng sẽ đi học nấu ăn. Ông Tần nghe vậy thì sầm mặt, tát con một cái thật mạnh.
Sau này, vợ nhiều lần nói chuyện, bác cả cũng tới nhà khuyên, ông Tần mới thỏa hiệp nhưng thỉnh thoảng, ông nhắc lại chuyện với thái độ rất tức giận. Nhất là khi cậu con trai xin việc làm trong một nhà hàng ở thành phố, mức lương không quá cao, phải làm từ những việc cơ bản nhất, ông thường xuyên nói: "Đấy, ngày trước mà nghe lời bố thì bây giờ có phải đỡ khổ không?"
Vợ ông nhiều lần can ngăn, cho rằng ông nên ủng hộ con trai theo đuổi công việc nó yêu thích. Nhưng ông vẫn không thay đổi. Dần dần, cậu con trai ở hẳn trên thành phố làm việc, mỗi năm chỉ về thăm nhà đúng 1 dịp Tết Nguyên đán, có về cũng chỉ ở 2-3 ngày rồi nhanh chóng đi.
Ảnh minh họa: Internet
2. Không tin tưởng khi con lựa chọn bạn đời
Sau này, con trai ông cũng đến tuổi lấy vợ, người quen muốn giới thiệu 1 cô gái ở làng bên cạnh, cách nhà không xa. Ông Tần bèn gọi con trai về, rồi cùng qua nhà cô gái đó xem mắt.
Ngay sau khi từ nhà cô gái ấy trở về, con trai ông đã từ chối, nhưng ông Tần cứ gạt đi và bảo 2 đứa nói chuyện thêm.
Trong thời gian đó, cô gái ấy đến nhà ông thăm hỏi 2-3 lần. Thấy vợ ông đang nấu ăn, cô cũng vào bếp phụ giúp. Ông Tần quan sát thấy vậy, càng thêm thiện cảm và gọi điện giục con trai: "Con gái nhà người ta thích con, lại chăm chỉ, hiểu chuyện. Con còn chọn gì nữa? Không còn trẻ nữa rồi, đừng có kén cá chọn canh. Tết này về thì mang quà sang nhà người ta nói chuyện chính thức đi!"
Vì chuyện này, hai cha con lại cãi nhau to. Cậu con trai kiên quyết không nghe lời bố, chỉ nói rằng mình đã tìm được bạn gái ở trên thành phố. Tết năm đó, cậu dẫn người yêu về ra mắt bố mẹ để tránh bị bố sắp đặt hôn nhân lần nữa.
Không ngờ, kể từ ngày đó, ông Tần tỏ vẻ khó chịu ra mặt với bạn gái của con trai. Kể cả vào lễ kết hôn của con, ông cũng giữ thái độ đó. Thỉnh thoảng, ông lại nhắc đến tên của cô gái được giới thiệu ngày xưa, khen cô ấy giỏi giang, khôn khéo ngay trước mặt con dâu.
Hai vợ chồng trẻ đều ở lại làm việc trên thành phố. Con trai ông Tần tích góp đủ tiền thì tự mở một quán ăn nhà. Một thời gian sau, con dâu ông sinh một bé trai. Cuộc sống ngày càng khấm khá, họ cũng dần dần trả góp để sở hữu một ngôi nhà riêng.
Từ sau khi có con nhỏ, gia đình con trai càng ít khi về quê. Con dâu vẫn gọi điện về trò chuyện với vợ ông mỗi tuần. Duy chỉ có ông Tần luôn cảm thấy mình là người ngoài cuộc, bị các con đối xử lạnh nhạt.
Tới tuổi trung niên, ngồi ngẫm lại, ông mới thấy hối hận vì những hành động của mình. Việc độc đoán, áp đặt suy nghĩ bản thân lên con trẻ, không tôn trọng suy nghĩ riêng đã khiến con trai bị tổn thương rất nhiều, dần dần không còn thân thiết với bố.
Ảnh minh họa: Internet
Đây cũng là điều mà tất cả các bậc cha mẹ cần chú ý. Trong quá trình giáo dục và đồng hành cùng con, ý kiến của con cần được lắng nghe và đối xử bình đẳng. Cha mẹ không nên can thiệp quá nhiều vào một số việc. Nên để con tự đưa ra ý kiến và học cách quyết định tương lai.
Mặt khác, là một người con, đôi khi chúng ta cũng phải học cách cảm thông, hiểu cho hoàn cảnh của bố mẹ. Hãy giao tiếp với bố mẹ nhiều hơn, bày tỏ suy nghĩ của mình để nhận được sự ủng hộ của họ.