Bệnh nhân là ông T.V.T. (51 tuổi, tại Hà Nội), được đưa vào viện trong tình trạng sốc chấn thương. Người này đau nhiều ở vùng thắt lưng, rối loạn huyết áp, không có cảm giác của 2 chân dưới.
Theo chia sẻ của người nhà bệnh nhân, trên đường đi làm về, ông ngồi ở ghế phụ của xe ô tô. Ông thường có thói quen gác chân lên táp-lô cho thoải mái. Tuy nhiên, khi tài xế tránh chướng ngại vật trên đường, xe đâm vào cột điện.
"Khi tôi đang ngồi trên ghế phụ chiếc xe tải 5 tấn, có gác chân lên táp-lô, bỗng lái xe đâm vào cột điện khiến cơ thể tôi gập lại, hai chân mất cảm giác, tổn thương cột sống nặng", bệnh nhân H. chia sẻ với báo Sức khỏe và Đời sống.
Chia sẻ về tình trạng bệnh nhân, bác sĩ Phạm Văn Bính cho biết, đây là trường hợp hi hữu, lần đầu tiên bác sĩ gặp trong nhiều năm làm nghề do ngồi gác chân lên táp-lô khiến các tổn thương trở nên trầm trọng hơn.
Khi ngồi gác chân lên táp-lô tiềm ẩn nhiều nguy cơ, khi tai nạn xảy ra có thể bị thương rất nặng, và có tổn thương phối hợp. Trường hợp bệnh nhân trên bị gãy cột sống do ghế sau ô tô và lực đối diện dồn ép.
"Khi bệnh nhân nhập viện, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đa chấn thương. Phim X-quang cho thấy bệnh nhân bị chấn thương ngực, có tràn dịch phổi; chấn thương bụng nhưng nghiêm trọng nhất đó chính là chấn thương cột sống, vỡ và trượt đốt sống lưng L3 và L4 kèm theo tổn thương thần kinh rất nặng, liệt hoàn toàn hai chân", bác sĩ Bính cho hay.
Sau khi chẩn đoán, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật, nắn chỉnh cột sống trở về bình thường đồng thời xem xét việc tổn thương tủy để có hướng giải pháp. Sau đó, bệnh nhân cần thực hiện tập phục hồi chức năng trong thời gian dài để lấy lại cảm giác cho đôi chân.
Cột sống thắt lưng sẽ chịu trách nhiệm cho cảm giác vận động của 2 chân dưới. Mỗi tổn thương vào cột sống, tùy theo chức năng vị trí chi phối, sẽ ảnh hưởng tới các cơ quan trong cơ thể.
"Những chấn thương nghiêm trọng tại cột sống thường để lại gánh nặng cho bệnh nhân và gia đình. Họ sẽ phải điều trị suốt đời như bệnh nhân T.", bác sĩ Bính nói với VTC News.
Qua trường hợp ông T., bác sĩ Bính khuyến cáo, khi tham gia giao thông chúng ta cần đảm bảo ngồi đúng và thắt dây an toàn. Điều này sẽ tránh được chấn thương đáng tiếc nếu xảy ra va chạm.
Đặc biệt, vệc ngồi gác chân lên táp-lô đã được các hãng xe hơi cảnh báo rất nhiều, đã có nhiều tai nạn xảy ra gây hậu quả nặng nề bởi đây là nơi chứa túi khí, nếu không may xảy ra tai nạn giao thông vận tốc bung của túi khí là rất nhanh, khoảng 160-320 km/h.
Nếu chân đang đặt trên táp-lô, áp lực túi khí có thể đẩy đầu gối và chân đập mạnh vào mặt hoặc ngực gây chân thương sọ não, gãy xương hoặc tổn thương nội tạng. Trong trường hợp va chạm mạnh, chân không ở vị trí chịu lực sẽ dễ bị chèn ép, vặn xoắn, gây ra những chấn thương nặng.
Minh Hoa (t/h)