Người phụ nữ 54 tuổi phải đến bệnh viện sau khi trải đệm ngủ dưới sàn nhà

Admin

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC đã tiếp nhận và xử lý thành công cho một trường hợp bị côn trùng chui vào tai.

Đó là bệnh nhân V.T.H., 54 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội.

Theo chia sẻ của bệnh nhân, bà thường có thói quen trải đệm ngủ dưới sàn nhà. Vài ngày trước, trong khi ngủ, bệnh nhân bất ngờ nghe tiếng sột soạt, cảm giác đau nhói sâu bên trong tai. Lo lắng, bà đã đến một bệnh viện gần nhà để kiểm tra.

Tại đây, bác sĩ phát hiện trong tai bà H. có một con gián đất, nhưng không thể gắp ra được do các gai chân của con gián găm vào da ống tai, chỉ cần chạm nhẹ bệnh nhân đã đau nhói. Sau đó, bà H. quyết định tới Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.

Người phụ nữ 54 tuổi phải đến bệnh viện sau khi trải đệm ngủ dưới sàn nhà- Ảnh 1.

Con gián được lấy ra khỏi tai người phụ nữ.

Sau khi thăm khám, bác sĩ đã khéo léo gắp bỏ bỏ con gián ra khỏi tai bệnh nhân một cách an toàn. Kết thúc thủ thuật, ống tai bệnh nhân nguyên vẹn, không chảy máu, không ảnh hưởng đến màng nhĩ.

Theo các bác sĩ, gián đất là côn trùng có màu nâu sậm hoặc nâu đen, không cánh, di chuyển nhanh bằng cách bò. Gián đất thường tìm nơi ẩn náu vào ban đêm tại các kẽ tủ, hầm thoát nước và các góc khuất tối trong nhà.

Chân của gián đất có các gai nhỏ có thể gây ra trầy xước, tổn thương da ống tai. Trong trường hợp chúng cố gắng tìm đường ra, hoặc người bệnh cố gắng tự lấy ra không đúng cách có thể dẫn đến tổn thương màng nhĩ.

Bên cạnh đó, gián đất mang theo nhiều vi khuẩn và mầm bệnh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), gián có thể mang đến 32 loại vi khuẩn gây ra các bệnh như: tiêu chảy, viêm dạ dày ruột, viêm phổi, nhiễm trùng tiết niệu và một số bệnh nguy hiểm khác.

Cách xử trí khi bị côn trùng chui vào tai

Khi gặp côn trùng chui vào tai, trước hết cần bình tĩnh, nếu là trẻ nhỏ, người thân cần động viên ôm trẻ, giúp trấn an tâm lý sau đó nhỏ ôxy già hoặc nước ấm (khoảng bằng với nhiệt độ cơ thể, tránh nóng quá bị bỏng) ngay sau khi bị côn trùng chui vào tai, sau đó nằm nghiêng đầu lại cho nước chảy ra.

Sau khi nhỏ ôxy già, nếu côn trùng chưa chui ra, tiếp theo dùng đèn soi rọi vào tai sẽ nhìn thấy côn trùng ở gần phía ngoài tai thì dùng kẹp y tế gắp ra. Lưu ý, nếu đã không lấy được côn trùng ra thì không nên cố lấy, bởi vì càng cố sẽ làm cho côn trùng chui sâu vào trong gây chấn thương dễ dẫn đến nhiễm khuẩn tai. Nếu côn trùng ở phần trong ống tai gần màng nhĩ, không được gắp lấy vì sẽ tổn hại có thể gây thủng màng nhĩ, bội nhiễm.

Cấu tạo tai ngoài có một số dây thần kinh, nếu ngoáy tai hơi sâu sẽ bị đau. Nếu côn trùng bò đến phần ngoài ống tai sẽ khiến cho người bệnh khó chịu, ngứa ngáy. Nếu côn trùng bò vào phần trong ống tai gần màng nhĩ thì sẽ thấy rất đau. Nhất là một số côn trùng như: gián, kiến, bọ... thường chui vào tai người khi đang ngủ, khiến tai bị đau nhức dữ dội.

Sau khi áp dụng những cách sơ cứu trên mà vẫn không lấy được côn trùng ra thì nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí thích hợp tránh những tổn thương nặng nề hơn. Hoặc sau khi lấy được côn trùng ra, những ngày tiếp theo người bệnh thấy tai vẫn khó chịu, ù, đau rát thì cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Để phòng ngừa côn trùng chui vào tai, không nên ngủ dưới đất. Cần vệ sinh nhà ở, giường ngủ sạch sẽ. Tuyệt đối không ăn uống trên giường, thức ăn rơi vãi sẽ thu hút kiến, côn trùng đến. Không cho trẻ em ôm ấp chó, mèo tránh bị ve. Cần điều trị ve cho chó mèo, phun thuốc những nơi ve và ấu trùng sinh sống.

Minh Hoa (t/h)

Tham khảo thêm
Giây phút nghẹt thở cứu sống người đàn ông bị tai nạn vỡ timGiây phút nghẹt thở cứu sống người đàn ông bị tai nạn vỡ tim