Người thân bà Trương Mỹ Lan nộp thêm gần 100 tỷ khắc phục hậu quả

Admin

Công ty CP Đầu tư Times Square Việt Nam nộp 80 tỷ đồng khắc phục hậu quả cho bà Trương Mỹ Lan và nộp 7,5 tỷ đồng cho bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bà Lan). Chồng bị cáo Trương Huệ Vân nộp hơn 7,5 tỷ đồng khắc phục hậu quả cho vợ.

Nộp hơn 95 tỷ đồng

Ngày 11/11, Cục Thi hành án dân sự TPHCM cho biết, liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát , để khắc phục hậu quả theo bản án số 157/2024/HS-ST ngày 11/4/2024 của Tòa án nhân dân TPHCM, công ty và người có liên quan vừa nộp hơn 95 tỷ đồng.

Cụ thể, Công ty CP Đầu tư Times Square Việt Nam nộp 80 tỷ đồng cho bị cáo Trương Mỹ Lan và nộp 7,5 tỷ đồng cho bị cáo Chu Lập Cơ (chồng của bà Lan). Trong khi đó, chồng của bị cáo Trương Huệ Vân nộp hơn 7,5 tỷ đồng khắc phục hậu quả cho vợ. Tất cả số tiền này đã nộp vào tài khoản của cơ quan thi hành án tại Kho bạc nhà nước.

Người thân bà Trương Mỹ Lan nộp thêm gần 100 tỷ khắc phục hậu quả- Ảnh 1.

Công ty CP Đầu tư Times Square Việt Nam nộp 80 tỷ đồng khắc phục hậu quả cho bị cáo Trương Mỹ Lan.

Liên quan đến vụ án này, ngày 31/10, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TPHCM đã có công văn chuyển đến Tòa án Nhân dân cấp cao tại TPHCM xem xét giải quyết theo thẩm quyền về đơn đề nghị thi hành án chủ động để khắc phục hậu quả vụ án.

Theo đó, Cục Thi hành án dân sự TPHCM nhận được đơn đề nghị ngày 23/10 của bà Trương Mỹ Lan . Nội dung đơn nêu ý kiến, trình bày, đề nghị liên quan đến việc tổ chức thi hành án phần dân sự theo bản án số 157/2024/HS-ST (vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1), bản án số 504/2024/HSST ngày 17/11/2024 (vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2), gồm việc ưu tiên thi hành án cho bị hại là các trái chủ trong giai đoạn 2, thứ tự xử lý tài sản kê biên, phong tỏa, cách thức thi hành án đối với một số tài sản…

Cục Thi hành án dân sự TPHCM ghi nhận tinh thần chủ động thi hành án của bà Trương Mỹ Lan. Tuy nhiên, các bản án sơ thẩm nêu trên chưa có hiệu lực pháp luật, đang được tòa phúc thẩm xem xét, giải quyết theo trình tự phúc thẩm (giai đoạn 1) hoặc đang trong thời gian kháng cáo, kháng nghị (giai đoạn 2).

Do đó, Cục Thi hành án dân sự TPHCM chưa có cơ sở thụ lý, tổ chức thi hành án. Vì vậy, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, căn cứ bản án của tòa án, đương sự gồm người phải thi hành án là bà Trương Mỹ Lan có quyền làm đơn yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án, Cục Thi hành án dân sự TPHCM xem xét thụ lý, giải quyết việc thi hành án và yêu cầu, đề nghị của đương sự theo đúng quy định pháp luật.

Ưu tiên xử lý tài sản

Trong đơn đề nghị khắc phục hậu quả của bà Lan có nêu về một số khoản tiền, tài sản do cơ quan điều tra kê biên, phong tỏa nhưng chưa được nêu đầy đủ trong các phụ lục của bản án đã tuyên và những khoản tiền mà bà đã góp vốn hoặc cho đối tác, khách hàng mượn nhưng trong các bản án vẫn chưa được đề cập đầy đủ. Vì vậy, bà Lan đề nghị Cục Thi hành án dân sự TPHCM chủ động phối hợp với gia đình bà và các cơ quan có liên quan để đối chiếu và có biện pháp thu hồi triệt để nhằm đảm bảo cho việc thi hành án không bị thất thoát, gây thiệt hại cho bà và nhà nước.

Người thân bà Trương Mỹ Lan nộp thêm gần 100 tỷ khắc phục hậu quả- Ảnh 2.

Công ty CP Đầu tư Times Square Việt Nam nộp 7,5 tỷ đồng cho bị cáo Chu Lập Cơ.

Về nội dung này, Cục Thi hành án dân sự TPHCM cho biết, Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM đang thụ lý, giải quyết đơn theo trình tự, thủ tục phúc thẩm. Do đó, Cục Thi hành án dân sự TPHCM chuyển đơn của bà Trương Mỹ Lan đến tòa để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, đảm bảo tối đa việc thu hồi tiền và tài sản của vụ án hiệu quả.

Trong đơn đề nghị thi hành án chủ động để khắc phục hậu quả vụ án, bà Trương Mỹ Lan kiến nghị, ưu tiên thi hành án đối với phần trách nhiệm dân sự của Bản án sơ thẩm giai đoạn 2 với số tiền hơn 30.000 tỷ đồng cho bị hại và người liên quan đến đầu tư trái phiếu từ nguồn tiền và tài sản trên.

Cụ thể, các khoản tiền do gia đình bà chủ động nộp hoặc do bán, chuyển nhượng tài sản cho các đối tác nộp vào tài khoản của Cục Thi hành án dân sự TPHCM từ sau khi xét xử sơ thẩm giai đoạn 1 đến nay với số tiền 3.967 tỷ đồng; các khoản tiền của bà Lan hoặc các khoản tiền được cơ quan điều tra xác định liên quan bị thu giữ; các khoản tiền của bà Lan hoặc các khoản tiền được Cơ quan điều tra xác định liên quan nằm trong tài khoản bị phong tỏa; các khoản tiền do các đối tác, khách hàng mượn hoặc do bà Lan góp vốn hợp tác kinh doanh hoặc bị chiếm đoạt đã được tòa án tuyên buộc phải thu hồi.

Về phần trách nhiệm dân sự với số tiền hơn 673.000 tỷ đồng của bản án sơ thẩm giai đoạn 1, bà Lan kiến nghị Cục Thi hành án dân sự TPHCM ưu tiên xử lý tài sản để khắc phục hậu quả số tiền nợ gốc hơn 480.000 tỷ đồng theo bản án đã tuyên.

Người thân bà Trương Mỹ Lan nộp thêm gần 100 tỷ khắc phục hậu quả- Ảnh 3.

Chồng của bị cáo Trương Huệ Vân nộp hơn 7,5 tỷ đồng khắc phục hậu quả cho vợ.

Thứ tự ưu tiên xử lý tài sản đối với 1.121 mã tài sản đang thế chấp tại SCB, bà Lan đề nghị cho định giá lại giá trị tài sản phù hợp với giá trị thực tế tại thời điểm xử lý tài sản. Sau khi định giá thì cục Cục Thi hành án dân sự TPHCM chủ động thi hành án. Trong trường hợp xử lý chưa đủ để khắc phục thì tiếp tục định giá và xử lý các tài sản không thế chấp tại SCB đã được Cơ quan điều tra kê biên…

Đối với một số tài sản không liên quan đến vụ án, không bị thế chấp, không bị kê biên và tài sản bạn bè bà cho mượn để bán lấy tiền khắc phục hậu quả như 18% cổ phần tại Tòa nhà Vietcombank Tower, 65 tài sản thế chấp cho nghĩa vụ trả nợ hiện đang do Ngân hàng SCB nắm giữ, bà Lan đề nghị cho phép gia đình bà chủ động tìm kiếm đối tác, khách hàng để tiếp tục phát triển hoặc chuyển nhượng, tạo thêm nguồn thu nhằm khắc phục hậu quả.

Với những tài sản có nguồn gốc trước năm 2012 có được nhờ kinh doanh, tích góp của gia tộc trong suốt 50 năm, bà Lan đề nghị Cục Thi hành án dân sự TPHCM xem xét xử lý thi hành án sau cùng. Trong trường hợp đã đủ để khắc phục hậu quả, bà Lan xin được giải tỏa kê biên , giữ làm tài sản, làm kế sinh nhai cho gia tộc.