Vấn đề trên được đưa ra tại Hội thảo “Hợp tác công tư trong chế biến thủy sản kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải chuỗi cá tra Việt Nam” diễn ra ngày 5/10, ở Cần Thơ.
Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hồng - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA) - cho biết, cá tra là đối tượng nuôi chủ lực tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung nhiều nhất ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long... Tổng diện tích nuôi gần 6.000ha, sản lượng thu hoạch hơn 1,5 triệu tấn, xuất khẩu đi hơn 150 thị trường, mang về kim ngạch 2,4 tỷ USD năm 2022.
Theo bà Hồng, cá tra được nuôi thâm canh trong ao đất, hoàn toàn bằng thức ăn viên công nghiệp. Tuy nhiên, vùng nuôi không tập trung mà chủ yếu là trang trại của doanh nghiệp, hộ nuôi lẻ, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi thiếu đồng bộ...
Theo các nghiên cứu, để đạt sản lượng trung bình khoảng 200 tấn cá/ha cần sử dụng lượng thức ăn tối thiểu 320 tấn và lượng chất hữu cơ thải ra môi trường khoảng 256 tấn. Với sản lượng trên 1,5 triệu tấn là thách thức lớn đối với các vùng nuôi tập trung, bởi việc xử lý chất thải từ ao nuôi hiện nay chủ yếu là thay nước, chế phẩm sinh học, hút bùn... định kỳ thường xuyên, chỉ có một số vùng nuôi áp dụng công nghệ hiện đại.
Bà Hồng cho hay, hiện cả nước có trên 100 cơ sở chế biến cá tra với tổng công suất thiết kế ước đạt 1,5 triệu tấn nguyên liệu/năm. Các cơ sở được trang bị máy móc thiết bị và công nghệ hiện đại, đáp ứng tốt các yêu cầu và tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, chế biến phụ phẩm ra sản phẩm cao cấp chưa nhiều, chưa tận thu nên làm tăng ô nhiễm cho nước thải chế biến. Đa phần các hệ thống xử lý nước thải áp dụng công nghệ truyền thống nên chưa đạt hiệu quả tối ưu, tăng chi phí khiến giá thành sản xuất cao...
Theo bà Hồng, các địa phương cần xây dựng quy hoạch chi tiết, các khu vực nuôi cần phải quy hoạch đồng bộ với hệ thống cấp và thoát nước riêng biệt. Tiến tới hình thành những vùng sản xuất cá tra tập trung, nhân rộng mô hình nuôi cá tra công nghệ cao, tuần hoàn, tận dụng bùn thải thu hồi. Tăng cường kiểm soát chất lượng cá bố mẹ, con giống, thức ăn, kiểm soát bệnh cá để giảm thiểu chất thải tác động môi trường.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh đầu tư công nghiệp chế biến phụ phế phẩm để nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm ngành hàng. Doanh nghiệp chế biến cần có sự chuẩn bị và thực hiện tốt nhất trách nhiệm xã hội, nhận thức trách nhiệm xã hội là yếu tố sống còn để tăng sức cạnh tranh của ngành thủy sản Việt Nam...
“Nghề nuôi cá tra thâm canh, chế biến và xuất ở Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, nếu chỉ chú trọng phát triển về diện tích và năng suất nuôi để thu lợi nhuận mà bỏ quên vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ là cản trở lớn nhất cho việc phát triển nghề nuôi và xuất khẩu trong thời gian tới” - đại diện VINAPA khuyến cáo.
Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết, ngành hàng cá tra đã và đang là một trong những ngành hàng thủy sản chủ lực.
Dưới góc độ của hợp tác công tư, việc khởi động các nghiên cứu về hiện trạng, phân tích đánh giá các thách thức mà ngành hàng đang gặp phải, điểm mạnh, điểm yếu khi ngành hàng cá tra định hướng theo mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ bước đầu làm cơ sở đưa ra những giải pháp công nghệ sản xuất tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải trong chuỗi, giúp ngành hàng cá tra phát triển bền vững...