Nhật Bản làm gì để đối phó với lệnh cấm hải sản của Trung Quốc?

Admin

“Chúng tôi sẽ bảo vệ ngành hải sản Nhật Bản bằng mọi giá”, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định.

Chính phủ Nhật Bản vừa công bố gói viện trợ mới trị giá 20,7 tỷ yên (141 triệu USD) để giúp các doanh nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm nhập khẩu hải sản do Trung Quốc áp đặt mới đây.

Theo Thủ tướng Fumio Kishida, khoản viện trợ mới này sẽ được bổ sung vào khoản 80 tỷ yên đã được chính phủ Nhật Bản phân bổ trước đó để giúp các doanh nghiệp hải sản duy trì hoạt động và chống lại thiệt hại về danh tiếng cho các sản phẩm của nước này.

Số tiền viện trợ cũng sẽ được sử dụng để chính phủ thu mua và bảo quản hải sản trong lúc Nhật Bản tìm thị trường  xuất khẩu mới thay thế cho Trung Quốc. Các quan chức cho biết, Nhật Bản có kế hoạch xuất khẩu hải sản sang Mỹ, châu Âu, Trung Đông và một số nước Đông Nam Á.

Quyết định của Nhật Bản được đưa ra sau khi Trung Quốc tức áp dụng lệnh cấm nhập khẩu toàn diện đối với các sản phẩm hải sản của Nhật Bản nhằm phản đối việc nước này xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương ngày 24/8. Nhà máy này đã bị phá hủy trong trận động đất và sóng thần năm 2011.

Thế giới - Nhật Bản làm gì để đối phó với lệnh cấm hải sản của Trung Quốc?

Thủ tướng Fumio Kishida kêu gọi người dân Nhật Bản ăn nhiều hải sản hơn để giúp ngành công nghiệp địa phương ít bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm của Trung Quốc. Ảnh: DW

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hải sản lớn nhất của Nhật Bản với 42,5% tổng kim ngạch, (trong đó có 20% đến từ Hồng Kông), do đó động thái này đã giáng một đòn mạnh mẽ vào ngành hải sản Nhật Bản, ảnh hưởng đến giá cả và doanh số bán các sản phẩm ở xa Fukushima cũng như hòn đảo phía bắc Hokkaido.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Teikoku Databank có trụ sở tại Tokyo, hơn 700 công ty Nhật Bản sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm này.

Các quan chức Nhật Bản đã tìm cách trấn an công chúng rằng hải sản từ Fukushima vẫn an toàn. Tuần trước, ông Kishida và đặc phái viên Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel đã đến thăm khu vực này và ăn cá của địa phương trước ống kính TV.

Nhật Bản đã đệ trình đơn phản biện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì lệnh cấm nhập khẩu hải sản của Trung Quốc là hoàn toàn không thể chấp nhận được, đồng thời kêu gọi Trung Quốc rút ngay lập tức lệnh cấm này.

Chính phủ Nhật Bản cũng khẳng định, họ đã giám sát hoạt động xả thải theo nhiều lớp để đảm bảo tính minh bạch kể từ khi bắt đầu xả thải. Họ cũng khẳng định rằng tất cả các mẫu nước biển và cá được lấy kể từ khi xả nước thải đã qua xử lý đều thấp hơn nhiều so với giới hạn an toàn quy định về phóng xạ.

Nguyễn Tuyết (Theo SCMP, Kyodo News, nippon.com)