Sự gia tăng của các loại xe điện giá rẻ Trung Quốc đã đẩy áp lực lên các hãng sản xuất ô tô truyền thống. Các nhà sản xuất ô tô lâu đời đang ráo riết tìm nhà cung ứng, cả về vật liệu pin và sản xuất chip, để cắt giảm chi phí và phát triển xe điện với giá cả phải chăng nhanh hơn so với kế hoạch.
Andy Palmer, chủ tịch công ty khởi nghiệp Brill Power của Anh, nhận xét: “Nhiều hãng sản xuất ô tô hiện quyết tâm chuyển hướng sang sản xuất xe có mức giá phải chăng, nếu không sẽ thua các công ty của Trung Quốc”.
Palmer cho biết Brill Power cũng đã phát triển cả phần cứng và phần mềm để tăng cường hiệu suất quản lý pin xe điện. Các sản phẩm của công ty có thể tăng hiệu suất hoạt động của xe điện lên 60% và cho phép chúng sử dụng pin nhỏ hơn khi pin là thành phần đắt nhất trong xe điện.
Những lo ngại về sụt giảm nhu cầu do xe điện đắt đỏ đã khiến việc cắt giảm chi phí trở nên cấp thiết hơn.
Sự cấp bách đó có thể được nhìn thấy ở khắp mọi nơi. Renault cho biết vào tháng trước rằng họ có kế hoạch giảm 40% chi phí xe điện của mình để đạt mức giá ngang bằng với các mẫu xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.
Với sự hợp tác từ ông lớn sản xuất pin xe điện của Trung Quốc là CATL, Stellantis cũng đang xây dựng một nhà máy ở châu Âu để sản xuất pin LFP có mức giá rẻ hơn. Gần đây, công ty cũng đã trình làng mẫu xe điện SUV Citroen e-C3, có giá khởi điểm 23.300 euro (24.540 USD).
Volkswagen và Tesla cũng đang rục rịch phát triển loại xe điện có giá 25.000 euro.
Các nhà sản xuất ô tô truyền thống cũng muốn cắt giảm việc sử dụng đất hiếm – lĩnh vực mà Trung Quốc hiện thống trị hoạt động khai thác và chế biến. Hãng Veekim có trụ sở tại Hodenhagen, Đức đã phát triển một động cơ xe điện sử dụng nam châm ferrite thay vì đất hiếm.
Peter Siegle, CEO của Veekim, cho biết sử dụng ferrite cùng với quy trình xử lý chi phí thấp có thể giảm 20% giá động cơ ô tô điện.
Không chỉ các công ty khởi nghiệp đang tìm cách giảm chi phí xe điện. Allan McAuslin, giám đốc bộ phận kiểm soát phương tiện và điện khí hóa của hãng sản xuất chip NXP, cho biết công ty cũng đang hợp tác với các nhà sản xuất ô tô để giảm số lượng bộ điều khiển điện tử hoặc máy tính mini trong xe điện.
Siemens cũng đã phát triển một phần mềm mô phỏng để giảm một nửa thời gian phát triển các loại xe điện đắt tiền.
Các nhà sản xuất ô tô châu Âu đang tìm cách ứng phó trước sự xuất hiện của xe điện giá rẻ từ Trung Quốc, khi các hãng sản xuất của nước này đang lên kế hoạch cho những mẫu xe thậm chí còn rẻ hơn.
Chẳng hạn, chiếc hatchback Dolphin của BYD có giá khởi điểm ở Anh là 26.000 bảng Anh (33.000 USD), thấp hơn gần 30% so với giá khởi điểm của chiếc hatchback VW ID.3.
Kể cả các nhà sản xuất ô tô của Mỹ, phần nào được bảo vệ khỏi việc nhập khẩu xe điện từ Trung Quốc nhờ các khoản trợ cấp trong Đạo luật giảm lạm phát, cũng đang tìm kiếm những chiếc xe điện có giá cả phải chăng hơn. GM cho biết họ đã tiết kiệm được hàng tỷ USD một phần bằng cách phát triển pin rẻ tiền hơn so với pin LFP cho mẫu Bolt EV cải tiến.
Các nhà sản xuất ô tô cao cấp cũng muốn cắt giảm chi phí cho xe điện. Our Next Energy có trụ sở tại Michigan đang phát triển bộ pin Ares với công nghệ LFP có mức giá dự kiến chỉ bằng một nửa.
Các nhà cung cấp cho biết các hãng sản xuất ô tô đặc biệt thích những bộ phận rẻ tiền hơn, đồng thời giúp giảm chi phí sản xuất. Giám đốc điều hành của Moshiel là Biton cho biết “những gì chúng tôi nghe được từ các nhà sản xuất ô tô ngày nay là: ‘Chúng tôi không cần xe đi được quãng đường dài hơn, chúng tôi muốn chi phí thấp hơn’.
Nguồn: Reuters