Chuẩn bị chuyển giao GPBank và Dong A Bank cho hai ngân hàng
Sau thời gian dài chờ đợi, việc xử lý các ngân hàng yếu kém cuối đã đạt được những bước tiến rõ ràng.
Ngày 17/10 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức Lễ công bố Quyết định chuyển giao bắt buộc Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CB) cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank) cho Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).
Sau chuyển giao, CB và Oceanbank tiếp tục hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Vietcombank và MB sở hữu 100% vốn điều lệ; được thực hiện các hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại theo quy định. Đồng thời, CB và Oceanbank là pháp nhân độc lập và không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính (BCTC) vào BCTC hợp nhất của Vietcombank và MB.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, sau CB và Oceanbank, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện chuyển giao một ngân hàng nữa trong thời gian tới và một ngân hàng được kiểm soát đặc biệt khác là Dong A Bank đang triển khai lộ trình, còn SCB thì duy trì ổn định.
Chia sẻ chi tiết hơn, ông Nguyễn Đức Long, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN, cho biết hai ngân hàng là Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) dự kiến sẽ tiếp tục được chuyển giao lần lượt cho các ngân hàng khác trong tương lai.
"Mục tiêu chuyển giao bắt buộc là để các ngân hàng quay về hoạt động bình thường, khắc phục lỗ luỹ kế, đảm bảo các quy định về an toàn hoạt động, chấm dứt kiểm soát đặc biệt", ông Long nhấn mạnh và khẳng định mọi quyền lợi người gửi tiền đảm bảo trước trong và sau quá trình chuyển giao.
Tham gia trả lời chất vấn cùng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chiều ngày 11/11, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng nhấn mạnh việc: "đã xử lý được 2 ngân hàng 0 đồng, chuẩn bị xử lý tiếp 2 ngân hàng 0 đồng nữa để ổn định hệ thống, phục vụ cho nền kinh tế".
Ngân hàng nào sẽ nhận chuyển giao GPBank và Dong A Bank?
Ngoài Vietcombank và MB, hiện còn có hai ngân hàng khác là VPBank và HDBank cũng đã công bố chủ trương nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém.
Việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém từng được nhắc đến nhiều lần tại các kỳ Đại hội đồng cổ đông trước đây của VPBank. Nhưng phải tới kỳ họp Đại hội đồng cổ đông năm 2023, lãnh đạo cấp cao ngân hàng này mới lên tiếng khẳng định rằng, VPBank là một trong 4 ngân hàng tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.
Tại một sự kiện hồi cuối năm 2023, bà Phạm Thị Nhung, Phó Tổng Giám đốc VPBank, cho biết nhà băng này đã sẵn sàng nguồn lực để tiếp quản một ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc.
Theo bà Nhung, VPBank là một trong những ngân hàng tham gia tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và tiếp quản một tổ chức tín dụng thuộc diện chuyển giao bắt buộc. "Hiện tại, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực", Phó tổng giám đốc VPBank nói.
Đối tượng hướng tới chưa được VPBank công bố nhưng thị trường có nhiều đồn đoán ngân hàng này sẽ là "bến đỗ" của GPBank. Trước đó, tại Lễ công bố các quyết định bổ nhiệm tân Chủ tịch và Tổng Giám đốc GPBank hồi tháng 9/2022 cũng có sự tham gia của đại diện lãnh đạo VPBank.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, ban lãnh đạo VPBank cũng đã trình và được cổ đông phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại yếu kém.
Nói về lý do VPBank tham gia tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng, Chủ tịch Ngô Chí Dũng cho biết, về năng lực tài chính, năng lực quản trị, không phải ngân hàng nào cũng có thể thực hiện nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém vì các ngân hàng này có mức lỗ luỹ kế và nợ xấu lớn. Và VPBank "hơi đặc biệt" là với sự tham gia của SMBC đã giúp ngân hàng có nền tảng vốn lớn.
Theo ông Dũng, dưới góc độ tài chính, tham gia tái cơ cấu, VPBank không được lợi nhưng lại có những điểm hấp dẫn khác như: tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn trung bình ngành, mở room sở hữu nước ngoài bởi vì các nhà đầu tư nước ngoài cũng có mong muốn được nâng tỷ lệ sở hữu lên.
"Ngoài ra, việc tham gia tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng là góp phần giúp an ninh hệ thống ngân hàng tốt hơn, đóng góp với hệ thống", ông Dũng cho hay.
Tại HDBank, năm 2022, ngân hàng này từng xin ý kiến và được cổ đông thông qua chủ trương tham gia tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, HDBank cũng được cổ đông chấp thuận việc tiếp tục tham gia chương trình tái cơ cấu các Tổ chức tín dụng ngân hàng theo chủ trương của NHNN; đồng thời thông qua những nội dung được cập nhật, sửa đổi, bổ sung của phương án nhận chuyển giao bắt buộc theo tình hình thực tế và hướng dẫn, phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại thời điểm đệ trình.
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024, trả lời về việc liệu có tham gia tái cơ cấu một ngân hàng khác hay không, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cho hay: "Khoảng 6-7 năm trước, khi HDBank nhận được lời đề nghị từ phía NHNN, chúng tôi đã sắp xếp và sẵn sàng tham gia một cách nghiêm túc. Đây là vinh dự, trách nhiệm của HDBank", bà Thảo nói.