Nhờ đâu lợi nhuận Techcombank tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm, dẫn đầu nhóm ngân hàng tư nhân?

Admin

Với lợi nhuận trước thuế đạt 22.842 tỷ đồng, Techcombank đã hoàn thành 84% kế hoạch năm 2024 và tiếp tục là ngân hàng tư nhân dẫn đầu thị trường. Thành công này cho thấy hiệu quả trong chiến lược đa dạng hóa nguồn thu, tối ưu chi phí và tập trung phát triển các sản phẩm dịch vụ vượt trội của Techcombank.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - TCB) vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024 với lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 22.842 tỷ đồng, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả này giúp Techcombank vững vàng vị thế dẫn đầu về lợi nhuận trong nhóm ngân hàng tư nhân và thực hiện được hơn 84% kế hoạch lợi nhuận cả năm được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

"Trong quý 3/2024, Techcombank tiếp tục ghi nhận những kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt trội với các chỉ số được duy trì trong nhóm các ngân hàng hiệu quả dẫn đầu thị trường", Ông Jens Lottner – Tổng Giám đốc Techcombank nhấn mạnh.

Hai yếu tố giúp thu nhập lãi thuần tăng trưởng ấn tượng

Động lực chính tạo ra con số lợi nhuận ấn tượng của Techcombank trong 9 tháng đầu năm đến từ thu nhập lãi thuần (NII). Với mức tăng trưởng 33,9% so với cùng kỳ 2023, đạt 26.906 tỷ đồng, NII đóng góp 72% trong tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng.

Thu nhập lãi thuần của Techcombank tăng mạnh so với cùng kỳ nhờ hai yếu tố: (1) Biên lãi ròng (NIM) duy trì ở mức cao; và (2) Tăng trưởng tín dụng nhanh và lành mạnh.

Cụ thể, NIM (trượt 12 tháng) của Techcombank duy trì tại 4,3%, tăng so với mức 4,1% của cùng kỳ năm trước và giữ ở mức cao hàng đầu hệ thống đến từ việc ngân hàng quản lý tốt các tài khoản cho vay, đồng thời kiểm soát chi phí huy động vốn thông qua duy trì tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ở mức cao. Theo đó, số dư CASA của Techcombank đạt kỷ lục 200,3 nghìn tỷ đồng tại thời điểm 30/9/2024, góp phần đưa tỷ lệ CASA lên 40,5% - mức cao nhất toàn hệ thống hiện nay.

Yếu tố quan trọng khác đóng góp vào tăng trưởng lợi nhuận của Techcombank là việc mở rộng danh mục tín dụng (tăng 17,4% - gấp gần 2 lần tốc độ tăng bình quân của toàn ngành ngân hàng).

Theo đó, dư nợ khách hàng cá nhân, với động lực chính là cho vay mua nhà, đã tăng 6,0% trong quý 3 và 13,2% so với đầu năm, đạt kỷ lục 193.600 tỷ đồng. Theo lý giải của ban lãnh đạo ngân hàng, Techcombank đẩy mạnh cho vay mua nhà nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường đang ngày càng tăng. Điều này giúp ngân hàng vừa mở rộng được danh mục tín dụng, vừa gia tăng khả năng sinh lời từ các khoản vay có lợi suất tốt và ổn định.

Tín dụng doanh nghiệp ghi nhận mức tăng 2,9% trong quý 3 và 16,3% so với đầu năm lên 395,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chiến lược đa dạng hóa tín dụng ghi nhận những diễn biến tích cực. Tín dụng bất động sản đi ngang so với quý trước, động lực tăng trưởng dư nợ doanh nghiệp đến từ nhóm ngành Xây dựng, Vật liệu xây dựng và các ngành nghề khác (như Du lịch, Tài chính).

Theo ông Alexandre Macaire, Giám đốc Tài chính của Techcombank, xu hướng phục hồi của thị trường bất động sản có tác dụng rất tích cực tới nền kinh tế nói chung và hoạt động của ngân hàng nói riêng, đặc biệt với Techcombank.

Đa dạng hóa nguồn thu và quản lý chi phí hiệu quả giúp Techcombank bứt tốc mạnh mẽ

Bên cạnh thu nhập lãi thuần, thu nhập ngoài lãi cũng là động lực quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng của Techcombank. Trong 9 tháng đầu năm 2024, thu nhập ngoài lãi của Techcombank đạt 10.530 tỷ đồng, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, thu phí dịch vụ ngân hàng đầu tư đạt 2.541 tỷ đồng, tăng 110,6% so với cùng kỳ năm trước.

Phí dịch vụ bảo hiểm đạt 594,1 tỷ đồng (tăng 29,8%) cho thấy Techcombank đang khai thác thác tốt nhu cầu sử dụng dịch vụ bảo hiểm của khách hàng, đặc biệt khi thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam bắt đầu phục hồi. Điều này cũng được củng cố bởi việc Techcombank thành lập Công ty cổ phần Bảo hiểm phi nhân thọ Techcom (TCGins) – một trong những bước đi mới nhất nhằm mở rộng hệ sinh thái tài chính toàn diện của mình.

Sự đa dạng trong cơ cấu nguồn thu của Techcombank giúp ngân hàng ứng phó hiệu quả với các thay đổi trên thị trường, đảm bảo ổn định dòng tiền kinh doanh và tạo ra lợi thế tăng trưởng so với các ngân hàng khác.

"Techcombank đã tiếp tục tận dụng thế mạnh cốt lõi của mình về cơ sở khách hàng, và chiến lược cho vay có sự mở rộng lành mạnh hơn, do đó hỗ trợ sự ổn định và đa dạng hóa kinh doanh của Ngân hàng." – FiinRatings đánh giá.

Một trong những điểm sáng khác trong kết quả kinh doanh của Techcombank là khả năng kiểm soát chi phí hoạt động. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Techcombank ghi nhận chi phí hoạt động là 10.629 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tổng thu nhập hoạt động tăng 28,9%. Điều này giúp tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của ngân hàng giảm xuống mức 28,4%, từ mức 33,2% trong 9 tháng đầu năm 2023.

Bên cạnh việc cắt giảm các chi phí không cần thiết, Techcombank cũng giảm được tỷ lệ CIR nhờ đầu tư hạ tầng số hóa, giảm chi phí vận hành và cải thiện trải nghiệm khách hàng, hướng đếnphát triển dài hạn.

Trong hoạt động quản lý vốn và thanh khoản, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo tiêu chuẩn Basel II của Techcombank đã tăng lên mức 15,1% tại thời điểm cuối tháng 9/2024, cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu của Ngân hàng Nhà nước (8%).

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Techcombank cũng tăng lên 103,4%, cho thấy ngân hàng đã chủ động trích lập phòng dự phòng rủi ro tín dụng để bảo vệ tài sản và giảm thiểu rủi ro tín dụng. Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của ngân hàng duy trì ở mức thấp, chỉ 1,35%.

Kết quả kinh doanh tích cực của Techcombank trong 9 tháng đầu năm 2024 đến từ sự kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng tín dụng, đa dạng hóa nguồn thu, quản lý chi phí hiệu quả và chiến lược đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ số. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp được dự đoán sẽ giúp Techcombank tiếp tục duy trì vị trí hàng đầu trong ngành ngân hàng, nhanh chóng hoàn thiện hệ sinh thái tài chính bền vững.

Techcombank thu hút thêm 500.000 khách hàng mới trong 9 tháng đầu năm

Techcombank kết thúc 9 tháng 2024 với gần 14,8 triệu khách hàng, thu hút thêm gần 500.000 khách hàng mới. Trong đó, 57,4% khách hàng cá nhân gia nhập thông qua nền tảng số và 42,1% từ kênh chi nhánh, phần lớn từ chương trình mở rộng nhóm khách hàng nhà bán lẻ (merchant).

Số lượng giao dịch của khách hàng cá nhân qua các kênh ngân hàng điện tử đạt 850,5 triệu trong quý 3/2024, tăng 8,9% so với quý trước và 47,2% so với cùng kỳ; tổng giá trị giao dịch qua kênh ngân hàng điện tử đạt 2,7 triệu tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, khối lượng và giá trị giao dịch của khách hàng cá nhân qua kênh số đạt 2,3 tỷ giao dịch và 8,2 triệu tỷ đồn g, lần lượt ghi nhận tăng trưởng 53,5% và 20,3% so với cùng kỳ năm trước.