Ung thư và những con số báo động
Ngày 19/10, tại Bệnh viện Ung bướu Tp.HCM, tiến sĩ, bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh, Trưởng khoa Xạ trị Phụ khoa, Bệnh viện Ung bướu Tp.HCM, đã thông tin về các bệnh ung thư thường gặp nhất ở nữ giới Việt. Trong đó bao gồm: ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư tuyến giáp và ung thư buồng trứng.
Bác sĩ Linh cho biết, ung thư vú dẫn đầu số ca mắc mới và tử vong ở phụ nữ Việt Nam, với hơn 24.500 ca mắc mới và 10.000 ca tử vong mỗi năm. Riêng tại Bệnh viện Ung bướu Tp.HCM, đã có gần 12.500 ca ung thư vú đã được khám và điều trị chỉ trong năm 2023. Những con số này cho thấy mức độ nghiêm trọng của căn bệnh.
Mặc dù ung thư vú có tỉ lệ mắc cao và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở phụ nữ, nhưng nếu được phát hiện sớm, tỉ lệ sống sót có thể lên tới 90%. Điều này khẳng định, tầm quan trọng của việc tầm soát và phát hiện sớm, giúp giảm đáng kể tỉ lệ tử vong do ung thư vú.
Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ hai ở phụ nữ Việt Nam, với hơn 4.600 ca mắc mới và hơn 2.500 ca tử vong mỗi năm.
Bệnh này tiến triển chậm và có thể phát hiện sớm thông qua các phương pháp tầm soát như xét nghiệm PAP và HPV. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ, đặc biệt ở vùng nông thôn hoặc có hoàn cảnh khó khăn, vẫn chưa có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế để tầm soát và phòng ngừa.
Ung thư cổ tử cung thường do vi rút HPV gây ra, và việc tiêm phòng HPV được coi là một trong những biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Tiêm phòng đúng thời điểm có thể ngăn chặn sự phát triển của căn bệnh, nhưng sự thiếu hụt trong việc tiếp cận dịch vụ y tế vẫn là một thách thức lớn ở Việt Nam.
Sau ung thư cổ tử cung là ung thư tuyến giáp. Mặc dù, đứng thứ ba về số ca mắc mới với hơn 6.100 ca mỗi năm, ung thư tuyến giáp lại có tỉ lệ tử vong tương đối thấp so với các loại ung thư khác, với khoảng 850 ca tử vong mỗi năm. Điều này chủ yếu do bệnh ung thư tuyến giáp thường tiến triển chậm và có thể điều trị hiệu quả, đặc biệt nếu được phát hiện sớm.
Những dấu hiệu sớm của ung thư tuyến giáp thường bao gồm sự xuất hiện của khối u hoặc sưng ở cổ, khó nuốt hoặc khó thở. Việc thăm khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ là điều cần thiết để phát hiện bệnh kịp thời và điều trị.
"Án tử" cao gọi tên ung thư buồng trứng. Mặc dù số ca mắc ung thư buồng trứng ít hơn nhiều so với ung thư tuyến giáp, với hơn 1.500 ca mỗi năm, nhưng tỉ lệ tử vong của căn bệnh này lại rất cao, với hơn 1.000 ca tử vong mỗi năm.
Ung thư buồng trứng thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu, khiến việc phát hiện bệnh trở nên khó khăn. Khi bệnh nhân nhận ra các triệu chứng, bệnh thường đã tiến triển đến giai đoạn nặng, khiến việc điều trị trở nên phức tạp và ít hiệu quả hơn.
Điều này khiến ung thư buồng trứng trở thành một trong những loại ung thư nguy hiểm nhất đối với phụ nữ, và cần phải có nhiều nỗ lực hơn trong việc nâng cao nhận thức về căn bệnh này.
Giảm thiểu gánh nặng ung thư thông qua tầm soát và phòng ngừa
Các loại ung thư phổ biến như: ung thư vú, cổ tử cung, tuyến giáp và buồng trứng không chỉ gây ra những tác động tiêu cực về mặt sức khỏe mà còn tạo ra gánh nặng lớn về tinh thần và tài chính cho bệnh nhân và gia đình họ. Tuy nhiên, theo tiến sĩ, bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh, gánh nặng này có thể giảm nhẹ đáng kể nếu có biện pháp phòng ngừa và tầm soát hiệu quả.
Phòng ngừa ung thư có thể được thực hiện thông qua việc tiêm phòng, thay đổi lối sống lành mạnh và hạn chế tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như khói thuốc lá hoặc chất độc hại. Đồng thời, tầm soát định kỳ giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, khi khả năng điều trị thành công là cao nhất.
Tuy nhiên, bác sĩ cũng khẳng định rằng ung thư không phải là án tử nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc thăm khám sức khỏe định kỳ và tầm soát các loại ung thư phổ biến ở phụ nữ có thể giúp tăng cơ hội sống sót.
Tầm soát và phát hiện sớm các loại ung thư là chìa khóa để giảm thiểu tỉ lệ tử vong và gánh nặng ung thư trong cộng đồng. Phụ nữ cần hiểu rõ tầm quan trọng của việc khám sức khỏe định kỳ, lắng nghe cơ thể mình, và không ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ y tế khi có những dấu hiệu bất thường.
Việc mắc bệnh ung thư không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn để lại hậu quả nặng nề về tinh thần và tài chính. Bác sĩ Linh cho biết, gánh nặng ung thư có thể được giảm nhẹ bằng các phòng ngừa (ung thư gan, phổi, cổ tử cung, da), tầm soát (ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng), phát hiện sớm (ung thư vú, tuyến giáp).
Thấu hiểu được nỗi lo của nhiều phụ nữ, chương trình "Chạm sẻ chia, Trao hy vọng" phối hợp giữa Hội Chữ Thập Đỏ Tp.HCM và Hà Nội đã trao tặng 2.010 gói tầm soát ung thư miễn phí cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Đối tượng tham gia bao gồm phụ nữ từ 35-60 tuổi, thuộc hộ nghèo, mẹ đơn thân, hoặc lao động chính trong gia đình. Mục tiêu của chương trình là nâng cao nhận thức về tầm soát sớm, kết nối cộng đồng và cung cấp cơ hội tiếp cận y tế cho những trường hợp có nguy cơ cao. Chương trình tầm soát khám bệnh ung thư miễn phí diễn ra đến hết ngày 26/10 tại Bệnh viện Ung bướu Tp.HCM.