Những cán bộ Công an vướng "vòng lao lý" trong vụ chuyến bay giải cứu

Admin

Trong vụ đại án “chuyến bay giải cứu”, có 5 cán bộ Công an vì sa ngã, vì lòng tham đã tự biến mình từ người thực thi pháp luật trở thành bị cáo của vụ án.

“Nhóm lợi ích” ở Cục Quản lý xuất nhập cảnh

Trong việc phối hợp với Tổ Công tác 5 Bộ để tổ chức chuyến bay giải cứu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (QLXNC) được Bộ Công an giao tiếp nhận tiếp nhận xem xét, đề xuất cho ý kiến về việc phê duyệt hoặc không phê duyệt kế hoạch tổ chức các chuyến bay của Bộ Ngoại giao.

Trong đó, Vũ Sỹ Cường – cán bộ Phòng Tham mưu, thành viên Tổ tham mưu được phân công nghiên cứu, đề xuất, soạn thảo văn bản trình Vũ Anh Tuấn – Phó Trưởng phòng Tham mưu, Tổ trưởng Tổ giướp việc ký nháy trình Trần Văn Dự - Phó Cục trưởng ký văn bản trả lời Bộ Ngoại giao để cấp phép các chuyến bay cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Trần Văn Dự cũng là người ký duyệt giấy miễn thị thực cho một số khách về nước.

Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao, 3 đối tượng này đã tạo thành “nhóm lợi ích” nhằm trục lợi cá nhân với tổng số tiền hối lộ lên đến hơn 44 tỷ đồng.

Cụ thể, quá trình tiếp nhận cho ý kiến về kế hoạch tổ chức chuyến bay từ Bộ Ngoại giao, Vũ Anh Tuấn biết chính xác những doanh nghiệp nào đang nằm trong diện được đề xuất cấp phép.

Tuấn đã chủ động liên hệ trực tiếp, yêu cầu và thỏa thuận với các đại diện doanh nghiệp tham gia chuyến bay với chi từ 50 - 200 triệu đồng/1 chuyến hoặc 500.000 đồng – 1.500.000 đồng/1 khách tùy từng thời điểm để nhận được “cái gật đầu” của Cục QLXNC.

Trường hợp doanh nghiệp không đồng ý theo yêu cầu, Vũ Anh Tuấn và nhóm đối tượng sẽ “gây khó dễ” đối với doanh nghiêp thông qua việc Cục QLXNC không chấp thuận hoặc chỉ chấp thuận vào sát ngày doanh nghiệp tổ chức chuyến bay. Điều này khiến doanh nghiệp không thể tổ chức chuyến bay hoặc tổ chức được nhưng rất khó khăn và bị động.

Do đó, các doanh nghiệp buộc phải chấp nhận đưa hối lộ cho Vũ Anh Tuấn. 

Không những thế, Vũ Anh Tuấn còn phối hợp với Phạm Trung Kiên - Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, yêu cầu, gợi ý chỉ dẫn cho doanh nghiệp liên hệ, chi tiền cho Kiên để được Bộ Y tế trả lời nhanh.

Hồ sơ điều tra - Những cán bộ Công an vướng 'vòng lao lý' trong vụ chuyến bay giải cứu

Các bị cáo trong vụ "chuyến bay giải cứu" trong phiên tòa xét xử sơ thẩm.

Thông thường sau khi nhận tiền của các doanh nghiệp, ba bị cáo Dự, Tuấn, Cường sẽ cùng bàn bạc, tổng hợp tiền để chia. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ba người tự nhận tiền riêng rẽ của doanh nghiệp mà không thông báo cho nhau biết.

Kết quả từ tháng 6/2021 đến tháng 1/2022, “nhóm lợi ích” đã nhận hàng chục lần với tổng tiền hơn 44 tỷ đồng từ các doanh nghiệp.

Trong đó, bị cáo Vũ Anh Tuấn nhận tiền của doanh nghiệp nhiều nhất, 49 lần với tổng số 27,3 tỷ đồng, trong số này hưởng lợi 22,8 tỷ đồng.

Cựu Phó Cục trưởng Trần Văn Dự nhận hối lộ 7,6 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 3,1 tỷ đồng. Bị cáo Vũ Sỹ Cường nhận hối lộ 7 lần với tổng số tiền 9,3 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 5,5 tỷ đồng.

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm đại án “chuyến bay giải cứu”, cả 3 bị cáo trên đều cúi đầu nhận tội, thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Cả 3 cựu cán bộ Công an này bị Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao truy tố về tội danh “Nhận hối lộ” theo khoản 4, Điều 354 Bộ Luật Hình sự với khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

Thủ đoạn lừa "chạy án" của cựu cán bộ điều tra

Bên cạnh nhóm cán bộ “làm tiền” với doanh nghiệp để cấp phép chuyến bay giải cứu thì trong vụ án này còn xuất một số bị cáo là cựu cán bộ công an đã bàn bạc, lên kế hoạch để chạy án với tổng số tiền lên đến hơn 61 tỷ đồng.

Theo đó, vào cuối tháng 1/2021, khi vụ án “chuyến bay giải cứu” bị khởi tố, lo sợ vướng lao lý, Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng giám đốc Công ty Bluesky) và Lê Hồng Sơn (Tổng giám đốc Công ty Bluesky) bàn bạc và tìm đến người quen là Nguyễn Anh Tuấn (khi đó đang là Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an Tp.Hà Nội) để nhờ tìm mối quan hệ can thiệp nhằm chạy án.

Sau đó, Nguyễn Anh Tuấn giới thiệu Hằng cho Hoàng Văn Hưng, khi đó đang là Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đồng thời là Điều tra viên chính thụ lý vụ án này.

Hoàng Văn Hưng sau đó đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao nhiều lần liên hệ trao đổi thông tin điều tra vụ án với Nguyễn Anh Tuấn để qua Tuấn nói với Hằng, Sơn và trực tiếp trao đổi với Hằng.

Hưng đã hướng dẫn Hằng, thông qua bà này chỉ Sơn cách thức khai báo khi làm việc với điều tra viên để hướng đến chủ trương xử lí. Hằng mặc dù là người thực hiện hành vi phạm tội nhưng không bị xử lý hình sự do đã tự thú trước khi bị phát giác và Sơn không bị xử lý hình sự do không có liên quan.

Giữa tháng 9/2022, Hưng được điều chuyển công tác sang Trưởng phòng Phòng Chính trị Hậu cần, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an. Khi này, Hưng không còn nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền trong việc điều tra, xử lí vụ án "Chuyến bay giải cứu". Tuy nhiên khi còn là Điều tra viên của vụ án, Hưng đã nắm được một số thông tin liên quan để cung cấp cho Hằng và Tuấn để tạo niềm tin.

Bị cáo Hưng tiếp tục liên hệ nhiều lần với Tuấn để trao đổi về việc "lo" cho Hằng, Sơn không bị xử lý hình sự.

Hồ sơ điều tra - Những cán bộ Công an vướng 'vòng lao lý' trong vụ chuyến bay giải cứu (Hình 2).

Bị cáo Hoàng Văn Hưng khai nhận tại phiên tòa xét xử sơ thẩm. 

Bên cạnh đó, Hưng cũng gặp Hằng nhiều lần tại nhà của cựu Phó Giám đốc Công an Tp.Hà Nội, để hướng dẫn cách thức khai báo khi làm việc với điều tra viên.

Trong đó có việc hướng dẫn đưa ra những lí do không đúng thực tế (chi tiền cho các cá nhân ở Viện Kiểm sát, Cơ quan điều tra và Cục Nghiệp vụ Bộ Công an để các đơn vị, cá nhân có liên quan ủng hộ quan điểm không xử lí hình sự đối với Hằng, Sơn).

Hưng còn nói dối mình vẫn "kiểm soát được tình hình" đối với việc điều tra, xử lý vụ án; vẫn là người chỉ đạo điều tra và trực tiếp báo cáo, đề xuất chủ trương xử lý vụ án.

Theo lời khai của Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Thị Thanh Hằng trong quá trình điều tra vụ án và ngay tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, giai đoạn từ tháng 2/2022 đến tháng 12/2022, Hằng đã đưa cho Tuấn tổng cộng 13 lần số tiền 2,65 triệu USD (tương đương hơn 61,6 tỷ đồng) để Tuấn đưa cho Hưng.

Tuy nhiên Hoàng Văn Hưng phủ nhận việc nhận tiền từ Nguyễn Anh Tuấn. Cơ quan An ninh điều tra xác định, chỉ đủ căn cứ Hoàng Văn Hưng 2 lần nhận 800.000 USD (tương đương hơn 18 tỷ đồng).

Đến tháng 1/2023, cả Nguyễn Anh Tuấn và Hoàng Văn Hưng đều lần lượt bị bắt.

Cựu Phó Giám đốc Công an Tp.Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn bị Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao truy tố về tội “Môi giới hối lộ” theo khoản 4 Điều 365 Bộ Luật Hình sự với mức hình phạt từ 8 đến 15 năm tù.

Hoàng Văn Hưng bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ Luật Hình sự với mức hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.