Những “thợ săn” ngoại đang "săn lùng" doanh nghiệp bất động sản Việt?

Admin

Mới đây, phía Keppel có gây chú ý khi chi 3.180 tỷ đồng mua 49% vốn hai dự án tại TP Thủ Đức. Trước đó, nguồn tin từ Reuters cũng cho hay CapitaLand đang đàm phán mua lại một số dự án của Vinhomes, với tổng trị giá lên đến 1,5 tỷ USD.

Ghi nhận tại báo cáo mới công bố của Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam, các nhà đầu tư ngoại vẫn duy trì sự quan tâm thị trường Việt trong suốt 6 tháng đầu năm. Đặc biệt, càng về sau mức độ quan tâm càng tăng dần. Trong đó, các dự án đã hoàn thiện thủ tục pháp lý là mục tiêu săn lùng của nhiều nhà đầu tư.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh thị trường khó khăn, và các chủ đầu tư dự án chịu áp lực dòng tiền (nổi trội là áp lực đáo hạn dư nợ trái phiếu). Theo Hiệp hội, khách hàng phần lớn là nhà đầu tư đến từ các nước như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan. Chỉ có một số ít doanh nghiệp Việt Nam, có đủ tiềm lực để tham gia cuộc chơi với các thương vụ quy mô vừa và nhỏ.

Cụ thể, một số “thợ săn” nổi trội như Keppel Land, Frasers, WHA, Central Retail… là những tên tuổi ngoại đã và sẽ tìm kiếm cơ hội M&A ở các phân khúc bất động thương mại, nhà ở và công nghiệp, báo cáo nhấn mạnh.

Mới đây, phía Keppel gây chú ý khi chi 3.180 tỷ đồng mua 49% vốn hai dự án tại TP Thủ Đức. Cụ thể, Keppel cùng Keppel Vietnam Fund (KVF), gọi chung là Keppel Consortium đã ký các thỏa thuận ràng buộc để mua lại 49% từ Tập đoàn Khang Điền (KDH) tại hai dự án khu dân cư liền kề.

Trước đó, nguồn tin từ Reuters cũng cho hay Tập đoàn CapitaLand của Singapore đang đàm phán để mua lại một số dự án của Vinhomes, với tổng trị giá lên đến 1,5 tỷ USD. Nếu thành công sẽ trở thành một trong những thương vụ bất động sản lớn nhất tại Đông Nam Á trong những năm gần đây….

Tính đến hết quý 2/2023, hầu hết các thương vụ M&A mới đang chỉ diễn ra trong giai đoạn đầu (giai đoạn tìm kiếm và khảo sát), chưa đi đến bước đàm phán và chốt giao dịch. Số lượng các chủ đầu tư có nhu cầu tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng hoặc hợp tác đầu tư dự án rất lớn. Thay vì giữ vững “kỳ vọng được giá”, các chủ đầu tư dần thể hiện thiện chí thương lượng với mong muốn đàm phán sớm đạt được thành công.

Theo Hiệp hội, ngoài các doanh nghiệp trong ngành, các nhà đầu tư từ các lĩnh vực khác cũng đang tìm kiếm cơ hội gia nhập và mở rộng danh mục đầu tư sang ngành bất động sản. Phương thức chuyển nhượng chủ yếu vẫn là chuyển nhượng cổ phần doanh nghiệp. Trong đó, tách doanh nghiệp dự án và mua bán đứt doanh nghiệp là lựa chọn được nhiều bên mua ưa thích.

Trong lần chia sẻ gần đây, đại diện VinaLiving cũng cho rằng bất động sản Việt Nam đang thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư nước ngoài có vốn dài hạn. Trong chu kỳ tăng trưởng (Bull-Run) có thể nói là dài nhất của thị trường bất động sản Việt Nam tính từ năm 2016-2022, rất ít nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia vào sự tăng trưởng bằng cách tạo lập quỹ đất mới. Việc các chủ đầu tư Việt Nam sẵn sàng cơ cấu lại danh mục và chấp nhận bán đi một số tài sản có chất lượng cao mở ra các cơ hội lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Dù vậy, rủi ro thị trường bất động sản sẽ rơi vào tay nước ngoài theo chuyên gia là chưa đáng lo ngại. Đơn cử, hiện nay các nhà phát triển bất động sản nước ngoài như VinaLiving đều tập trung vào các phân khúc thị trường ngách. Thị trường chủ lực (Mass Market) vẫn nằm trong tay các chủ đầu tư Việt Nam vì họ có năng lực phát triển quỹ đất, triển khai dự án và bán hàng vượt trội.