Những trường hợp nào cần cấp đổi Sổ đỏ theo mẫu mới?

Admin

Sau khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành, các quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cũng có thay đổi so với trước.

Quy định về mẫu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (hay còn gọi là "Sổ đỏ") mới có hiệu lực từ 01/01/2025 (điểm a khoản 2 Điều 43 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT). Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, so với mẫu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trước đây thì mẫu Giấy chứng nhận lần này có một số điểm mới:

- Tên gọi mới “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất” ngắn gọn nhưng đảm bảo được phạm vi bao quát là đất đai và tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai;

- Kích thước của Giấy chứng nhận lần này nhỏ gọn hơn, theo khổ giấy thông dụng A4.

- So với nội dung thể hiện trên Giấy chứng nhận trước đây thì quy định mới chỉ thể hiện những thông tin cơ bản về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản; thông tin về thửa đất, tài sản gắn liền với đất; thông tin về sơ đồ, tọa độ vị trí của thửa đất; một số thông tin để người được cấp Giấy chứng nhận cần biết và ghi nhận về việc thực hiện quyền của người được cấp Giấy chứng nhận.

- Bổ sung mã QR code và mã Giấy chứng nhận;

- Bỏ quy định về trang bổ sung của Giấy chứng nhận.

Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội cho biết: Căn cứ theo Khoản 3 Điều 256 Luật Đất đai 2024 thì các loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất,… đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng trước ngày 01/01/2025 vẫn có giá trị pháp lý và không bắt buộc phải cấp đổi sang mẫu Giấy chứng nhận mới. Người sử dụng đất vẫn có thể tiếp tục sử dụng Giấy chứng nhận cũ mà không ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, và tài sản gắn liền với đất.

Chỉ trong trường hợp người sử dụng đất có các giao dịch, thay đổi thông tin (ví dụ như chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế) hoặc khi thực hiện các thủ tục liên quan đến cập nhật thông tin, việc cấp đổi Giấy chứng nhận mới sẽ được thực hiện theo yêu cầu.

Điều này đảm bảo quyền lợi của người dân, tránh gây phiền hà và tốn kém trong trường hợp không có nhu cầu thay đổi hoặc cập nhật thông tin liên quan đến đất đai.

Bên cạnh đó, theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/8/2024, thủ tục cấp Sổ đỏ lần đầu có một số thay đổi đáng chú ý - luật sư Trần Xuân Tiền cho biết thêm.

1. Thời gian giải quyết ngắn hơn:

Căn cứ theo khoản 1 điều 22 Nghị định số 101/2024/NĐ-CP quy định thời gian thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu là không quá 20 ngày làm việc; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu là không quá 03 ngày làm việc…

Như vậy, so với trước đây quy định thời gian giải quyết là không quá 30 ngày làm việc (Khoản 40 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP) giờ đã được giảm giảm xuống còn tối đa 23 ngày làm việc, bao gồm 20 ngày cho việc đăng ký đất đai và 3 ngày để cấp Giấy chứng nhận, điều này giúp đẩy nhanh quy trình cấp Sổ đỏ cũng như quy định rõ ràng chế tài xử lý vi phạm nếu cơ quan chức năng chậm trễ trong việc giải quyết hồ sơ.

2. Thay đổi địa điểm nộp hồ sơ:

Trước đây, hồ sơ được nộp tại UBND cấp xã hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện. Tuy nhiên, từ ngày 1/8/2024, căn cứ vào khoản 1 điều 21 Nghị định số 101/2024/NĐ-CP người dân khi làm giấy chứng nhận lần đầu sẽ nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa của UBND cấp tỉnh. Điều này giúp tập trung hóa quy trình và cải thiện hiệu quả xử lý.

3. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin:

- Hồ sơ trực tuyến: Tại khoản 2 điều 21 Nghị định số 101/2024/NĐ-CP quy định các hình thức nộp hồ sơ cấp sổ đỏ thông qua cổng dịch vụ công trực tuyến của địa phương, hạn chế việc phải đến trực tiếp cơ quan quản lý đất đai. Việc này giúp tiết kiệm thời gian và công sức, đồng thời giảm thiểu tình trạng ùn tắc tại các cơ quan Nhà nước.

- Kết nối cơ sở dữ liệu đất đai: Căn cứ vào Điều 54 quy định về việc kết nối liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, khuyến khích sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai điện tử và tích hợp thông tin từ các cơ quan liên quan để dễ dàng tra cứu, kiểm tra tính pháp lý của các hồ sơ đất đai, giảm bớt sai sót và rủi ro.

- Ký số và lưu trữ điện tử: Chương IV của Nghị định cũng quy định về việc sử dụng chữ ký số và lưu trữ thông tin điện tử để thay thế một số quy trình thủ công trước đây, giúp nâng cao tính bảo mật và minh bạch trong việc quản lý dữ liệu đất đai.

4. Rút gọn thủ tục hành chính:

- Giảm số lượng giấy tờ yêu cầu: Nghị định quy định giảm bớt các loại giấy tờ cần nộp khi làm thủ tục cấp sổ đỏ, thay thế một số giấy tờ bằng phương pháp xác nhận qua hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai hoặc mã QR code.

- Đơn giản hóa quy trình: Các bước trong quy trình cấp sổ đỏ được sắp xếp lại để rút ngắn thời gian xử lý. Các cơ quan chức năng có trách nhiệm phối hợp để tránh tình trạng hồ sơ phải đi qua nhiều đơn vị khác nhau, giúp giảm bớt sự phức tạp trong thủ tục.