Niger cấm các cơ quan LHQ và tổ chức phi chính phủ vào 'khu vực chiến dịch quân sự’

Admin

Giới chức quân sự lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính hồi tháng 7 ở Niger đã quyết định cấm các cơ quan Liên Hiệp Quốc, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan quốc tế khác làm việc trong các

Niger cấm các cơ quan LHQ và tổ chức phi chính phủ vào khu vực chiến dịch quân sự’ - Ảnh 1.

Xe tải chở hàng tiếp tế tới Niamey, Niger hôm 21/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một thông cáo phát trên đài truyền hình quốc gia, Bộ Nội vụ Niger cho biết chỉ thị này được đưa ra để đáp ứng tình hình an ninh hiện tại và những chiến dịch mà Lực lượng Vũ trang Niger đang triển khai.

Tuyên bố nhấn mạnh, “tất cả các hoạt động hoặc sự dịch chuyển của các tổ chức trong các khu vực chiến dịch tạm thời bị đình chỉ". Tuy nhiên, chính quyền quân sự Niger không nêu rõ các khu vực bị ảnh hưởng.

Vài ngày sau khi nhóm quân đội tuyên bố nắm quyền, Liên Hợp Quốc cam kết sẽ "tiếp tục tham gia và có trách nhiệm" với các hoạt động của mình trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở Niger khiến cho triệu người rơi vào tình cảnh mất an ninh lương thực.

Hồi tháng 7, quyền Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc Nicole Kouassi bày tỏ lo ngại về việc tạm thời đình chỉ các chuyến bay dịch vụ hàng không nhân đạo của tổ chức này sau khi các nhà lãnh đạo đảo chính đóng cửa không phận Niger.

Tháng trước, giới chức mới của Niger cũng tuyên bố hủy bỏ một số thỏa thuận quân sự với Pháp, nước có khoảng 1.500 binh sĩ đồn trú tại Niamey để giúp chống lại các nhóm thánh chiến ở khu vực Sahel. Tuy nhiên, Paris đã từ chối rút quân, lập luận rằng các thỏa thuận hợp tác đã được ký kết với chính phủ dân bầu của Niger từ trước đó.

Ngày 31/8, Ngoại trưởng các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng đã nhất trí đưa ra cơ chế pháp lý cho việc thực hiện trừng phạt nhằm vào những quan chức thực hiện vụ đảo chính ở Niger. Tuy nhiên, EU vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc liệu họ có ủng hộ hành động quân sự nhằm khôi phục lại chính phủ bị lật đổ tại Niger hay không.

Cuối tháng 7 vừa qua, một nhóm sĩ quan thuộc Lực lượng cận vệ Tổng thống của Niger đã tiến hành cuộc đảo chính, lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum. Hội đồng quốc gia bảo vệ tổ quốc được thành lập để điều hành đất nước và đứng đầu là Tướng Abdurahmane Tchiani.

Sau cuộc đảo chính, Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã áp đặt trừng phạt Niger và đang xem xét các phương án nhằm "khôi phục trật tự hiến pháp" ở nước này, bao gồm cả khả năng can thiệp quân sự, song vẫn cam kết tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng. Hôm 25/8, ECOWAS cũng Khẳng định với chính quyền quân sự lên nắm quyền ở Niger rằng hiện "chưa quá muộn để xem xét lại hành động của mình".

ECOWAS đã nhiều lần tìm cách đàm phán với chính quyền quân sự ở Niger, nhưng cũng cảnh báo sẵn sàng can thiệp quân sự để khôi phục trật tự Hiến pháp tại nước này nếu nỗ lực ngoại giao thất bại. Trong khi đó, chính quyền quân sự ở Niger mới đây tuyên bố sẽ ủy quyền cho lực lượng vũ trang các nước láng giềng Mali và Burkina Faso can thiệp vào lãnh thổ Niger trong trường hợp nước này bị tấn công. Các nước láng giềng Mali và Burkina Faso đã tuyên bố sẽ ủng hộ Niger nếu nổ ra một cuộc xung đột với ECOWAS.