Chính quyền quân sự Niger hôm 6/8 tuyên bố đóng cửa một phần không phận của đất nước, cảnh báo về một cuộc tấn công của một “thế lực nước ngoài” khi hạn chót để phục chức cho Tổng thống Mohamed Bazoum đã đến. Lực lượng này cũng cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào vi phạm nó sẽ gặp phải “phản ứng mạnh mẽ và ngay lập tức”.
“Đối mặt với mối đe dọa can thiệp đang trở nên rõ ràng hơn thông qua sự chuẩn bị của các nước láng giềng, không phận của Niger đã bị đóng cửa từ ngày 6/8 cho đến khi có thông báo mới”, lực lượng đảo chính Niger cho biết trong một tuyên bố.
“Các lực lượng vũ trang của Niger và tất cả các lực lượng quốc phòng và an ninh của chúng tôi, được hỗ trợ không ngừng bởi người dân Niger, sẵn sàng bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Niger”, ông nói thêm.
Niger cho biết, họ đã đóng cửa không phận đối với các chuyến bay quốc tế, ngoại trừ một số quốc gia bao gồm Algeria, Burkina Faso, Mali, Libya và Chad – những quốc gia lên tiếng phản đối việc can thiệp quân sự ở Niger.
Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đã đưa ra hạn chót để lực lượng đảo chính Niger trả tự do cho Tổng thống Bazoum và khôi phục trật tự hiến pháp vào ngày 6/8, nếu không họ có thể can thiệp quân sự vào quốc gia Tây Phi.
Hôm 4/8, chỉ huy quốc phòng của các quốc gia Tây Phi đã đồng ý với kế hoạch can thiệp quân sự vào Niger sau cuộc họp kéo dài 3 ngày. Dù chưa có dấu hiệu của bất kỳ hành động quân sự nào, nhưng phe đảo chính cho biết ECOWAS đã bắt đầu hành động.
“Kế hoạch cho cuộc chiến này đã được thực hiện”, phát ngôn viên của chính quyền quân sự Amadou Abdramane cho biết trên đài truyền hình nhà nước Tele Sahel. “Việc triển khai trước các lực lượng tham gia cuộc chiến này đã bắt đầu ở 2 quốc gia ở Trung Phi”, ông khẳng định nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
Chính quyền quân sự Niger đã từ chối mọi lời kêu gọi khôi phục nền dân chủ và cảnh báo chống lại mọi sự can thiệp của nước ngoài. Hàng trăm người biểu tình đã tập trung tại thủ đô Niamey hôm 6/8 để ủng hộ các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính.
Mọi con mắt đang đổ dồn vào động thái tiếp theo của ECOWAS. Kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, tổ chức này đã tuyên bố rằng họ sẽ xem xét mọi biện pháp để giải quyết khủng hoảng, và các hình thức can thiệp quân sự sẽ chỉ được sử dụng như là phương sách cuối cùng.
“Các mốc thời gian chính trị sẽ khác hoàn toàn với các mốc thời gian quân sự. Vì vậy, những gì các chính trị gia đã tuyên bố, đó là tối hậu thư hết hiệu lực ngày 6/8, không nhất thiết có nghĩa ngày 6/8 là ngày quân đội bắt đầu chiến sự”, theo nhà báo Charles Stratford của Al Jazeera.
Cuộc đảo chính ở Niger vào ngày 26/7 là cuộc đảo chính thứ bảy ở Tây và Trung Phi trong vòng 3 năm. Nó đã làm rung chuyển khu vực Sahel của châu Phi, nơi đang chiến đấu với các nhóm vũ trang có liên quan đến al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (ISIS) và là một trong những khu vực nghèo nhất thế giới.
Đối mặt với nguy cơ chiến tranh khu vực, các nước Tây Phi đã bắt đầu chia thành 2 phe. Nigeria, Senegal và Bờ Biển Ngà cho biết họ sẽ gửi quân đến Niger, mặc dù Thượng viện Nigeria đã bác bỏ yêu cầu của Tổng thống Bola Tinubu về việc chấp thuận triển khai quân, yêu cầu ông xem xét các lựa chọn khác ngoài việc sử dụng vũ lực.
Trong khi đó, Burkina Faso và Mali cho biết, bất kỳ sự can thiệp nào vào Niger sẽ được coi là một lời tuyên chiến chống lại họ. Algeria, quốc gia có chung đường biên giới đất liền trải dài với Niger, cũng đã cảnh báo chống lại một giải pháp quân sự ở nước này.
Nguyễn Tuyết (Theo Bloomberg, TRT World, Al Jazeera)