Niger rơi vào hỗn loạn sau đảo chính, phương Tây đồng loạt cắt viện trợ

Admin

Tướng Abdourahamane Tiani ngày 29/7 lần đầu tiên xuất hiện trên truyền hình nhà nước với tư cách là nhà lãnh đạo mới của Niger sau cuộc đảo chính quân sự hôm 26/7. Cộng đồng quốc tế đã lên án mạnh mẽ động thái này, đồng thời lo ngại những diễn biến tại Niger có thể tạo cơ hội cho các nhóm Hồi giáo cực đoan và gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh khu vực.

Pháp và Liên minh châu Âu ngày 29/7 đã quyết định đình chỉ mọi hỗ trợ tài chính và an ninh cho quốc gia Tây Phi, trong khi Mỹ cũng cảnh báo làm điều tương tự.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh: “Mối quan hệ đối tác kinh tế và an ninh của chúng tôi với Niger, ước tính lên tới hàng trăm triệu đôla, phụ thuộc vào việc duy trì nền dân chủ và trật tự Hiến pháp tại nước này. Vì vậy, sự hỗ trợ đó rõ ràng đang gặp nguy hiểm và các hành vi gây bất ổn cần phải được đảo ngược ngay lập tức”.

Niger rơi vào hỗn loạn sau đảo chính, phương Tây đồng loạt cắt viện trợ - Ảnh 1.

Tướng Abdourahamane Tiani. Ảnh: AP

Liên minh châu Phi trước đó đã yêu cầu nhóm binh sĩ nổi dậy tại Niger trở lại ngay lập tức và vô điều kiện doanh trại của mình và khu phục trật tự Hiến pháp trong vòng 15 ngày.

Nằm ở khu vực trung tâm của vùng Sahel, Niger là một quốc gia giàu tài nguyên và là “trung tâm” của các hoạt động chống khủng bố tại khu vực. Chính vì thế, những gì đang diễn ra tại nước này được dự báo sẽ có tác động không chỉ đến châu Phi, mà cả đối với cuộc xung đột tại Ukraine, châu Âu và trên toàn cầu.

Theo Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu Joseph Borell, cuộc đảo chính quân sự hôm 26/7 là cuộc tấn công không thể chấp nhận được nhằm vào tính toàn vẹn và các thể chế cộng hoà của Niger. Đại sứ quán nhiều nước tại Niger, trong đó có Mỹ và các nước châu Âu đã khuyến cáo công dân hạn chế các hoạt động di chuyển không cần thiết và tránh các khu vực bị ảnh hưởng bởi cuộc đảo chính.

Cuộc đảo chính hôm 26/7 đã khiến Niger rơi vào tình trạng hỗn loạn. Nhóm quân nhân nổi dậy tuyên bố đã nắm chính quyền, bắt giữ Tổng thống Mohamed Bazoum, đóng cửa biên giới và ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc. Trên những con phố của thủ đô Niamey, người dân và các chủ doanh nghiệp không khỏi lo lắng về sự về sự bất ổn và viễn cảnh dòng tài chính từ nước ngoài đột ngột cạn kiệt.

Liên Hợp Quốc đã bày tỏ lo ngại về tình hình ở Niger khi tất cả các chuyến bay nhân đạo vào và ra khỏi nước này đều tạm thời bị đình chỉ do không phận bị đóng cửa. 4,3 triệu người ở Niger cần hỗ trợ nhân đạo, trong đó 3,3 triệu người trong tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, phần lớn là phụ nữ và trẻ em.