Nói không với "bún mắng, cháo chửi"

Admin

Công an quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) mới đây đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với 2 nhân viên quán bánh mì Nguyên Sinh (số 17-19 phố Lý Quốc Sư, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) do có hành vi hành hung thực khách.

Theo đó, Công an quận Hoàn Kiếm đã xử phạt 2 nhân viên của quán bánh mì Nguyên Sinh mỗi người 6,5 triệu đồng về hành vi "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác". Do hành vi hành hung thực khách này chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nên 2 nam nhân viên chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính và 2 người này đã chấp hành quyết định xử phạt.

Vụ việc từng gây xôn xao dư luận không chỉ ở Hà Nội có thể khép lại về thủ tục hành chính, quy định pháp luật nhưng có lẽ còn để lại những dư âm không mấy hay ho về cung cách dịch vụ của một quán bánh mì khá nổi tiếng ở thủ đô, lại nằm trên tuyến phổ cổ trung tâm có rất đông du khách, cả trong nước và quốc tế, qua lại mỗi ngày. Có thể nói việc nam nhân viên của quán có hành vi côn đồ với thực khách, hơn thế còn là nữ, đã để lại tiếng xấu chưa biết bao giờ mới phai nhạt. Câu nói "mua danh ba vạn, bán danh ba đồng" trong cuộc sống được không ít người dẫn ra với trường hợp này.

Điều đáng nói, vụ việc tại quán bánh mì Nguyên Sinh thêm một lần nữa khiến thực khách, du khách nhớ lại những vụ việc liên quan tới thái độ, cung cách phục vụ được xem là không phù hợp, nếu không muốn nói rất tệ trong không ít trường hợp, từng diễn ra ở Hà Nội.

Có lẽ rất nhiều người biết tới cụm từ "bún mắng, cháo chửi" khi nhắc tới dịch vụ ẩm thực ở Hà Nội. Cho dù chỉ là những trường hợp cá biệt, không phổ biến, song những hiện tượng này vẫn tồn tại, diễn ra đây đó. Một điều gây nhiều suy nghĩ là những hàng quán kiểu "bún mắng, cháo chửi" vẫn tiếp diễn với sự đồng lõa của chính thực khách, những người phải nghe những lời lẽ "nhói tai" cùng cách thức phục vụ không thể nói là lịch sự, bởi nếu không thì những hàng quán này đã không thể tồn tại dù đồ ăn có ngon đến mấy.

Đã có những ý kiến, tranh luận về "bún mắng, cháo chửi", trong đó có những biện minh cho sự tồn tại của các hàng quán kiểu này. Song biện minh cách gì cũng không thể chấp nhận và không thể để tồn tại những hành vi cư xử thiếu lịch sự, văn minh trong các hoạt động dịch vụ, kinh doanh buôn bán. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến nét văn hóa ở thủ đô, nơi mà "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An".

Ngành du lịch Hà Nội đang xây dựng văn hóa ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc sắc đậm chất Hà thành, thu hút khách du lịch đến với thủ đô. Theo đó, ẩm thực Hà Nội không đơn thuần là những món ngon mà từ lâu người ta thường coi là tinh hoa đất kinh kỳ, chứa đựng chiều dài văn hóa, sự khéo léo và tinh tế của người Hà Nội. Muốn vậy, dứt khoát phải nói không với kiểu "bún mắng, cháo chửi" để kiểu kinh doanh, dịch vụ thiếu văn minh, lịch sự này không còn tồn tại ở thủ đô.