Nỗi lo nguồn cung khiến giá gạo ở châu Á tăng cao kỷ lục

Admin

Giá gạo ở châu Á tăng lên mức cao kỷ lục trong bối cảnh mối lo ngại về nguồn cung gạo toàn cầu gia tăng vì hạn hán ở Thái Lan và lệnh cấm xuất khẩu ở Ấn Độ.

Kể từ khi Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường (non-basmati) và thời tiết khô hạn đe dọa sản lượng ở nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai là Thái Lan, giá gạo ở châu Á đã tăng vọt - chạm mức cao nhất trong gần 15 năm.

Hãng Bloomberg đưa tin, theo dữ liệu từ Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan ngày 9/8, gạo trắng Thái Lan 5% tấm - thước đo tiêu chuẩn của châu Á - đã tăng lên 648 USD/tấn, đắt nhất kể từ tháng 10/2008. Con số trên tương đương với mức tăng gần 50% trong năm qua.

Trong khi đó, tại nước xuất khẩu đứng thứ ba là Việt Nam, các thương nhân dự báo giá gạo chất lượng cao có thể sớm đạt mức 700 USD/tấn, sau khi giá gạo 5% tấm gần đây đạt 550-575 USD, theo dữ liệu hải quan.

Giá tăng do lo ngại nguồn cung gạo toàn cầu thiếu hụt. Thời tiết khô nóng đang đe dọa mùa màng ở Thái Lan, trong bối cảnh Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới – tháng trước cấm bán một số loại gạo ra nước ngoài.

Gạo hiện là lương thực thiết yếu với hàng tỷ người tại châu Á và châu Phi. Vì vậy, việc sản phẩm này lên giá có thể tăng áp lực lạm phát tại các nước này, đồng thời kéo chi phí nhập khẩu lên cao.

Giá tăng cũng sẽ làm căng thẳng thêm nguồn cung lương thực toàn cầu. Thị trường này gần đây lao đao vì thời tiết khắc nghiệt và nguồn cung ngũ cốc giảm do chiến sự Nga - Ukraine.

Việc tăng giá có thể sẽ tiếp tục khi các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu gạo như Philippines và Indonesia đang tích trữ, đặc biệt là khi Indonesia chuẩn bị tổ chức bầu cử vào tháng 2 năm sau.

Sản lượng gạo của châu Á đã bị ảnh hưởng trong năm nay. Những đợt nắng nóng chết người vì El Nino đã quét qua khu vực, gây hạn hán, ảnh hưởng đến mùa màng và làm đảo lộn nguồn cung.

Tháng trước, Ấn Độ đã tạm dừng xuất khẩu gạo trắng non-basmati nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa và kiềm chế giá gạo tăng cao do mất mùa, theo trang Asia New Network.

Chỉ riêng Ấn Độ đã chiếm 40% lượng gạo xuất khẩu của thế giới. Khoảng 30% gạo xuất khẩu của Ấn Độ - tương đương 12% tổng thương mại toàn cầu - bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm.

Paul Hughes, nhà kinh tế trưởng nông nghiệp và giám đốc nghiên cứu tại S&P Global Commodity Insights, cho biết, 12% là mức thiếu hụt tiềm năng đáng kể so với bình thường.

Các quốc gia khác bao gồm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã phản ứng với động thái của Ấn Độ bằng cách tạm thời cấm xuất khẩu và tái xuất khẩu gạo. Trong khi đó, Thái Lan bày tỏ lạc quan về việc giành được một thị trường xuất khẩu lớn hơn từ Ấn Độ.

Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan dự kiến xuất khẩu sẽ tăng tới 20% khi Thái Lan có kế hoạch xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo ra thị trường thế giới trong năm nay, bù đắp phần nào khoảng trống do Ấn Độ để lại.

Nhưng trên khắp các vùng trung tâm trồng lúa của Thái Lan - nơi 1kg gạo hiện có giá khoảng 11 baht (0,3 USD) - nông dân đang chuẩn bị cho một cú sốc không mong muốn sau nhiều năm giá giảm.

Tờ SCMP dẫn lời ông Bualin Komkla, chủ tịch hợp tác xã các nhà máy gạo địa phương ở Surin cho biết, thông thường giá tăng là tin tốt, nhưng trong những năm qua giá giảm quá sâu khiến nông dân phải bán dự trữ để trả nợ và không còn hàng để đưa ra thị trường. Những người duy nhất có lợi sẽ là những nhà xay xát gạo với lượng hàng dự trữ lớn.

Bên cạnh đó, vụ thu hoạch tới ở Thái Lan dự kiến sẽ bị ảnh hưởng do hạn hán. Các khu vực trồng lúa trọng điểm ở miền trung Thái Lan có thể bị giảm lượng mưa tới 40% trong năm nay. Do đó, sản lượng gạo của Thái Lan được dự báo sẽ giảm 5%, theo số liệu của Bộ Thương mại.

Một nhà môi giới gạo nổi tiếng ở Thái Lan nhận định, gạo của Thái Lan là một trong những lựa chọn tốt, nhưng nó không thể lấp đầy khoảng trống do Ấn Độ để lại. Năm ngoái, Ấn Độ xuất khẩu khoảng 22 triệu tấn gạo, trong khi cả Thái Lan và Việt Nam xuất khẩu chưa đến 15 triệu tấn.

Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), chỉ số giá gạo của FAO đã chứng kiến mức tăng 2,8% trong tháng 7 so với tháng trước, với giá trị trung bình là 129,7 điểm. Điều này phản ánh mức tăng xấp xỉ 20% so với cùng kỳ năm trước và đánh dấu mức tăng cao nhất được quan sát kể từ tháng 9/2011.

Minh Hoa (t/h theo Lao Động, Báo Tin Tức, Thanh Niên)