Đó là một trong những phương án ứng phó của người sống trong chung cư mini tại Hà Nội, sau vụ cháy ở quận Thanh Xuân.
Ngủ thấp thỏm vì… sợ cháy
Chúng tôi có mặt tại chung cư mini nằm ở số 98/25 ngách 49, ngõ 3 đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy), khi anh Nguyễn Hùng Sơn đang mở cổng sắt khóa vân tay, dắt xe vào tầng 1. Kể từ khi xảy ra vụ cháy chung cư ở Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) khiến 56 người chết, anh Sơn luôn thấy bất an vì nơi mình đang ở được xây dựng tương tự như chung cư mini bị cháy. Anh dành cả ngày nghỉ cuối tuần để đi tìm căn hộ khác nhưng chưa được.
Từ đường lớn vào tòa chung cư mini này phải đi vào ngõ và hẻm rộng khoảng 2m, sâu hơn 200m. Diện tích của tòa nhà chừng 200m2, được xây 8 tầng (55 phòng). Tầng 1 là nơi để xe, với một lối đi bộ và một thang máy. Những người ở đây chủ yếu di chuyển bằng thang máy, vì cửa cầu thang bộ bị xe máy quây kín.
Chúng tôi theo anh Sơn lên căn phòng ở tầng 2 bằng thang máy. Ở chiếu nghỉ của tầng có hộp phòng cháy chữa cháy (PCCC) với 2 bình bám bụi. “Trên bảng ghi thời gian kiểm tra bình từ năm 2014, như vậy là đã quá hạn. Tôi chẳng biết có dùng được hay không nữa”, anh Sơn mở xem và nói.
Theo các văn bản còn hiệu lực, bình bột PCCC phải kiểm tra mỗi tháng 1 lần, còn chiếc bình này gần 10 năm chưa được kiểm tra.
Cách đây khoảng 6 tháng, anh Sơn và con trai quyết định chọn căn hộ này thuê để thuận tiện cho việc đi lại của hai cha con. Căn hộ rộng 25m2, có nhà vệ sinh khép kín, giường ngủ, bếp cùng với chỗ để đặt bàn uống nước, giá thuê 4,5 triệu mỗi tháng, phù hợp với thu nhập của một nhân viên văn phòng như anh.
“Mấy hôm nay, tôi luôn thấy bất an, ngủ thấp thỏm, quyết định chuyển đến nơi khác an toàn hơn”, anh Sơn nói và cho biết, mục tiêu tìm kiếm vẫn là những căn chung cư tiện nghi, gần trung tâm, đảm bảo an toàn PCCC và có lối thoát hiểm riêng biệt. Nhưng cái khó là với mức thu nhập hiện nay của anh chỉ đáp ứng việc thuê căn hộ dưới 6 triệu đồng/tháng. Trong khi, thuê các căn chung cư ở gần trung tâm quá tốn kém (từ 10-15 triệu đồng/tháng đối với các căn từ 2-3 phòng ngủ).
Rời căn hộ của anh Sơn, chúng tôi lên tầng 8 thăm căn phòng của 4 sinh viên khoa Luật (Đại học Thủ đô). Căn phòng có cách bày trí tương tự phòng anh Sơn ở tầng 2. Mấy hôm nay, những cuộc gọi từ gia đình đến nhóm sinh viên này dày đặc hơn, dặn dò về PCCC. “Căn hộ này chỉ cách trường khoảng 1km, đi bộ mất ít phút. Ở đây giá cả hợp lý với sinh viên nên cả nhóm đã chọn ở mấy tháng rồi”, em Lê Hữu Ánh, nói.
Trước đây, hành trình mỗi ngày của nhóm Ánh là sáng thức dậy đến trường, tối về người đi học, người đi làm thêm đến khuya. Khi về phòng ai cũng mệt mỏi và đi ngủ ngay nên điện thoại, máy móc thường được sạc qua đêm. Nhưng sau vụ cháy chung cư mini, toàn bộ xe điện của chung cư, trong đó có xe của nhóm bị yêu cầu di dời. Mấy hôm vừa rồi, lực lượng chức năng đã đến kiểm tra. Chuồng cọp bằng khung sắt đã được chủ nhà mở lối ra nhưng chưa có thang bộ.
“Mấy hôm nay, về đến phòng chúng em thấy lo lắng nên đã bàn nhau mua mặt nạ chống độc, thang dây. Tối đi ngủ chúng em đều rút hết sạc điện thoại, máy tính… Nhỡ có cháy thì mở cửa nhảy xuống phía dưới”, Ánh chia sẻ.
Lối thoát hiểm chơi vơi giữa trời
Ngay trên phố Thượng Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội), toà nhà số 22 nổi bật với 11 tầng nổi và một tầng hầm. Mặt tiền của tòa nhà hướng ra phố Thượng Đình được cho thuê làm văn phòng. Phía sau là chung cư mini với lối vào khoảng 2,5m, đi thẳng xuống tầng hầm toà nhà. Căn hầm có thiết kế một lối nhỏ khác, nhưng đã bị khoá trái. Hầm là nơi để xe máy; trên tường gắn la liệt công tơ điện. Mỗi tầng của tòa nhà được chia ra thành 11 căn hộ riêng biệt, rộng trung bình khoảng 55m2. Theo đó, toàn bộ 11 tầng được chia ra 120 căn hộ và đã được chủ đầu tư bán đứt cho các hộ dân. Dưới tầng hầm tòa nhà có một bảo vệ túc trực. Từ tầng hầm có 3 thang máy và 2 thang bộ dẫn lên các căn hộ ở trên.
Từ sau vụ cháy xảy ra, các đoàn kiểm tra PCCC của phường, quận liên tục đến kiểm tra. Cư dân được mời họp để xây dựng phương án PCCC, xây dựng thang thoát hiểm trên các tầng. Dưới tầng hầm đã được bổ sung ngay hàng chục bình chữa cháy, được xếp ngay ngắn dưới chân cầu thang. Xe máy và xe điện đã được phân ra hai khu riêng biệt. Xe điện được bố trí các ổ cắm mới và không cho cư dân cắm sạc qua đêm.
Chúng tôi xin lên tầng 11, tầng cao nhất của tòa nhà, từ đây có một lối thông lên nóc. Nóc toà nhà là nơi có bồn nước sinh hoạt, đốt vàng mã. Toà chung cư mini này cao chót vót, không có lối thoát nào xuống các toà nhà xung quanh. Sau vụ cháy xảy ra, một số hộ gia đình ở đây đã cắt mở lối thoát ở khung chuồng cọp dựng bằng sắt đã hàn trước đó.
Tôi xin vào quan sát căn hộ của gia đình anh Thanh ở tầng 11. Người vợ đang tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, lau sàn nhà. “Trước tôi có dịch sách nhưng gần đây thì nghỉ. Công việc là sáng đưa các cháu đi học, rồi về nhà dọn dẹp. Chiều đón các cháu về, chở đi học thêm, thế là hết ngày”, vợ anh Thanh nói.
Căn phòng của gia đình anh Thanh rộng khoảng 55m2 với 2 phòng ngủ, gian phòng khách liền với nơi nấu nướng và ăn uống. Căn hộ còn có một ban công được hàn khung sắt làm nơi lắp máy giặt, phơi quần áo… Trên khung sắt, anh Thanh mới cắt mở một lối thoát nhỏ.
Vợ chồng anh Thanh từng thuê ở đây. Sau khi chủ nhà cũ muốn bán, anh chị quyết định mua lại với giá 1,2 tỷ đồng. Về giấy chứng nhận quyền sở hữu (sổ đỏ, sổ hồng), vợ anh Thanh cho biết, khi mua, gia đình có ký hợp đồng mua bán với chủ đầu tư xây dựng căn nhà.
“Tôi được biết, tầng 10, tầng 11 của tòa nhà xây dựng trái phép, nên không thể làm giấy tờ được. Ở đây gần trung tâm, tiện đường cho con cái đi học nên tôi mua”, vợ anh Thanh nói và cho biết, trước khi mua căn hộ này, anh chị đã có ý định mua nhà ở xã hội nhưng khi làm hồ sơ, giấy tờ quá khó khăn, không thể tiếp cận nên đành chấp nhận mua căn nhà này.