Ông Putin cảnh báo Ba Lan chớ có gây hấn với đồng minh Belarus của Nga

Admin

Cảnh báo của ông Putin được đưa ra khi Ba Lan quyết định gửi quân đến củng cố biên giới phía Đông giáp với Belarus để đáp trả sự hiện diện của lực lượng Wagner ở đó.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 21/7 đã cáo buộc Ba Lan, thành viên NATO, có tham vọng lãnh thổ ở Liên Xô cũ, và nói rằng bất kỳ hành động gây hấn nào chống lại nước láng giềng và đồng minh thân cận của Nga là Belarus sẽ bị coi là một cuộc tấn công vào Nga.

Lời cảnh báo của nhà lãnh đạo Nga được đưa ra sau quyết định của Ba Lan về gửi quân đến củng cố biên giới phía Đông giáp với Belarus để đáp trả sự hiện diện của lực lượng Wagner ở nước láng giềng.

Moscow sẽ phản ứng trước bất kỳ hành động gây hấn nào chống lại Belarus – quốc gia hình thành một “Nhà nước Liên minh” lỏng lẻo với Nga – “bằng tất cả các phương tiện mà chúng tôi sẵn có”, ông Putin cho biết trong một bài phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga được phát trên truyền hình.

Ủy ban An ninh Ba Lan hôm 19/7 đã quyết định triển khai các đơn vị quân đội đến miền Đông Ba Lan sau khi các thành viên của Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner của Nga đến Belarus, hãng thông tấn nhà nước PAP dẫn lời thư ký của ủy ban này cho biết hôm 21/7.

Thế giới - Ông Putin cảnh báo Ba Lan chớ có gây hấn với đồng minh Belarus của Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp với Hội đồng An ninh Nga, ngày 21/7/2023. Ảnh: Sputnik

Trước đó, hôm 19/7, thủ lĩnh của Wagner, Yevgeny Prigozhin, đã xuất hiện trong một video chào mừng các chiến binh của mình đến Belarus, nói với họ rằng họ sẽ không tham gia thêm vào cuộc chiến ở Ukraine vào lúc này mà ra lệnh cho họ tập trung sức mạnh cho các hoạt động của Wagner ở châu Phi trong khi huấn luyện quân đội Belarus.

Đây là lần xuất hiện mới nhất của ông trùm Wagner kể từ cuộc binh biến vũ trang thất bại hồi cuối tháng 6, kết thúc với việc ông Prigozhin và những chiến binh trung thành của mình lưu vong đến Belarus.

Hôm 20/7, Minsk cho biết lính Wagner đã bắt đầu huấn luyện lực lượng đặc biệt của Belarus ở một phạm vi quân sự chỉ cách biên giới Ba Lan vài km.

Nga trong những tuần gần đây đã lần đầu tiên triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Điện Kremlin cho biết, ông Putin sẽ gặp Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tại Nga vào ngày 23/7 tới.

Tại cuộc họp an ninh hôm 21/7, người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài của Nga, Sergei Naryshkin, báo cáo với ông Putin về thông tin mà họ có được rằng Warsaw đang lên kế hoạch kiểm soát các khu vực phía Tây Ukraine theo hiệp ước phòng thủ chung với Ukraine và Litva, mà không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào. 

“Ai cũng biết rằng họ cũng mơ về vùng đất của Belarus”, ông Putin nói, đồng thời bổ sung, “Nhưng khi nói đến Belarus, đây là một phần của Nhà nước Liên minh (với Nga); gây hấn với Belarus đồng nghĩa với gây hấn với Liên bang Nga. Chúng tôi sẽ đáp trả điều này bằng tất cả các phương tiện mà chúng tôi sẵn có”.

Ba Lan phủ nhận mọi tham vọng lãnh thổ ở Belarus. Bộ trưởng Quốc phòng Đức, ông Boris Pistorius, cho biết hôm 21/7 rằng Đức và NATO sẵn sàng hỗ trợ Ba Lan trong việc bảo vệ sườn phía Đông của liên minh.

Thế giới - Ông Putin cảnh báo Ba Lan chớ có gây hấn với đồng minh Belarus của Nga (Hình 2).

Hệ thống phóng tên lửa đa năng BM-21 Grad của Nga khai hỏa về phía các vị trí của quân Ukraine ở vùng Kherson, trong chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine, ngày 7/7/2023. Ảnh: Sputnik

Trong cuộc họp hôm 21/7, ông Putin cũng cho biết phương Tây rõ ràng thất vọng vì cuộc phản công được ca ngợi nhiều của Kiev đã không mang lại bất kỳ kết quả nào và dẫn đến thương vong cao cho Ukraine.

Kiev đã nhận được “một lượng lớn tài nguyên”, bao gồm tất cả các loại vũ khí phương Tây và “hàng nghìn lính đánh thuê và cố vấn nước ngoài”, nhưng vẫn thất bại trong chiến dịch của mình, ông Putin nói.

Các quốc gia phương Tây có thể cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine, gây ra nhiều thiệt hại hơn cho Nga và kéo dài xung đột, nhưng “các kho vũ khí của NATO và các kho dự trữ vũ khí cũ của Liên Xô ở một số quốc gia đã cạn kiệt ở một mức độ nhất định”, ông nói, đồng thời nhấn mạnh sản xuất quân sự của phương Tây không thể theo kịp nhu cầu, trong khi việc tăng cường sẽ đòi hỏi thời gian và đầu tư đáng kể.

Đầu tuần này, một trợ lý cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với hãng thông tấn AFP rằng chiến dịch phản công của họ sẽ “lâu dài và khó khăn”, đồng thời kêu gọi các đồng minh phương Tây gửi thêm xe bọc thép và vũ khí.

Minh Đức (Theo Al Arabiya, Bloomberg, RT)