Ông Putin cho biết, các thành viên BRICS đang tìm cách giảm phụ thuộc vào đồng USD trong các giao dịch chung. Ảnh: AP
Trong bài phát biểu qua video tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi ngày 22/8, ông Putin nói rằng đồng USD đang mất dần vai trò toàn cầu trong một quá trình "khách quan và không thể đảo ngược". Tổng thống Nga phát biểu qua video trực tuyến sau khi quyết định không trực tiếp tham gia hội nghị ở Nam Phi.
Ông Putin cho rằng, quá trình "phi USD hóa" đang "đạt được động lực", đồng thời cho biết thêm rằng, các nước thành viên BRICS đang tìm cách giảm phụ thuộc vào đồng USD trong các giao dịch chung của thành viên khối.
Tổng thống Nga còn tuyên bố, 5 thành viên của BRICS, gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi, đang trở thành các đầu tàu kinh tế mới.
Theo ông Putin, nếu tính sức mua tương đương, BRICS (chiếm 31% kinh tế toàn cầu) đã vượt qua G7 (chiếm 30% kinh tế toàn cầu).
Trong thập kỷ qua, đầu tư qua lại giữa các quốc gia thành viên BRICS đã tăng gấp 6 lần. Ông Putin cho biết, tổng đầu tư của BRICS vào nền kinh tế thế giới đã tăng gấp đôi, trong khi xuất khẩu chiếm 20% tổng giá trị xuất khẩu toàn cầu.
Moscow đang tập trung vào việc định hướng lại các tuyến vận tải và hậu cần để hướng tới "các đối tác nước ngoài đáng tin cậy", bao gồm các thành viên của BRICS, để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng và thực phẩm cho thị trường quốc tế không bị gián đoạn.
"Chúng tôi liên tục tăng cường cung cấp nhiên liệu, thực phẩm và phân bón cho các quốc gia khó khăn trên thế giới" và đóng góp tích cực cho an ninh lương thực và năng lượng toàn cầu, ông Putin tuyên bố. Tổng thống Nga đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng lương thực hiện tại là do các biện pháp trừng phạt đơn phương của phương Tây nhằm vào Moscow.
Đại diện của Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi từ 22/8 đến 24/8 là Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ông Putin quyết định không tham dự sự kiện này sau khi Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt giữ ông vào tháng 3.
ICC ra phán quyết dựa trên cáo buộc của Ukraine về việc Nga sơ tán trẻ em khỏi khu vực xung đột trong bối cảnh chiến sự bị cho là "chuyển giao dân số bất hợp pháp". Moscow nhiều lần phủ nhận cáo buộc của ICC và Ukraine. Điện Kremlin nhấn mạnh rằng Moscow không công nhận thẩm quyền của ICC, vì vậy lệnh bắt giữ của tòa này vô hiệu về mặt pháp lý.
Theo đài RT, Nam Phi - một thành viên của ICC - đã bị Mỹ và các đồng minh gây áp lực buộc nước này phải bắt giữ ông Putin nếu Tổng thống Nga tới nước này dự thượng đỉnh BRICS.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nhiều lần tuyên bố sẽ không thực hiện lệnh bắt giữ của ICC vì cho rằng sẽ không khác gì "một lời tuyên chiến" với Nga nếu thực hiện lệnh đó. Nhưng cuối cùng, Điện Kremlin tuyên bố ông Putin không tới Nam Phi mà cử đại diện tham gia hội nghị thượng đỉnh BRICS.
Nguyễn Thái - RT