Ông Putin nhận định, thỏa thuận ngũ cốc tại Biển Đen đã trở nên vô nghĩa

Admin

“Việc tiếp tục tham gia ‘thỏa thuận ngũ cốc’ - một thỏa thuận chưa từng chứng minh được mục đích nhân đạo của nó - đã trở nên vô nghĩa”, ông Putin nhận định.

Thế giới - Ông Putin nhận định, thỏa thuận ngũ cốc tại Biển Đen đã trở nên vô nghĩa

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một buổi họp với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tại St. Petersburg, Nga vào ngày 23/7/2023. (Ảnh: Sputnik/Alexei Danichev/Kremlin qua REUTERS)

Trong một bài viết được đăng tải vào ngày thứ Hai, ông Putin cho biết, Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc tại Biển Đen với nội dung bảo hộ xuất khẩu an toàn cho các mặt hàng ngũ cốc của Ukraine vì thỏa thuận này đã trở nên vô nghĩa.

“Việc tiếp tục tham gia ‘thỏa thuận ngũ cốc’ - một thỏa thuận chưa từng chứng minh được mục đích nhân đạo của nó - đã trở nên vô nghĩa”, ông đưa ra nhận định trong bài viết được đăng tải trên trang web của điện Kremlin.

Chính quyền Moscow trong tuần vừa rồi đã rút khỏi thỏa thuận vì những điều kiện đổi lại việc kéo dài thỏa thuận của Nga bị phớt lờ. Thỏa thuận này được ký kết từ một năm trước nhằm cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng tại Biển Đen mặc cho chiến sự căng thẳng nhằm giải quyết một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Những yêu cầu chính mà ông Putin đưa ra trong tuần vừa rồi làm điều kiện để chính quyền Moscow tiếp tục tham gia thỏa thuận đã không trực tiếp nhắc tới các mục tiêu nhân đạo.

Sau khi rút khỏi thỏa thuận này, quân đội Nga đã tấn công cảng xuất khẩu lương thực của Ukraine gần như hàng ngày. Một cuộc tấn công vào cảng Odesa ở miền Nam Ukraine trong Chủ Nhật vừa rồi đã khiến một người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Trong một bài viết được đăng tải trước thềm hội nghị thượng đỉnh Nga-Phi diễn ra tại St. Petersburg vào thứ Năm và thứ Sáu tới, ông Putin đã cho biết, chính phủ Nga kỳ vọng sẽ có đợt thu hoạch kỷ lục trong năm nay.

“Tôi muốn một lần nữa đảm bảo quốc gia chúng tôi có thể thay thế ngũ cốc của Ukraine cả trong các mục đích thương mại lẫn các mục đích nhân đạo, nhất là khi chúng tôi đang kỳ vọng sẽ có vụ thu hoạch kỷ lục trong năm nay”.

Nga và các nước phương Tây liên tục đối đầu nhằm tranh giành ảnh hưởng tại châu Phi. Mặc dù chính quyền Moscow tới nay đã đầu tư không nhiều nhưng số liệu từ Liên Hợp Quốc cho thấy, Nga đã liên tục thúc đẩy ngoại giao nhằm giành được sự hậu thuẫn từ các nước tại châu lục này.

Trong một cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc năm 2022 với nội dung lên án hành động của Nga tại Ukraine, 28 quốc gia châu Phi đã bỏ phiếu tán thành nghị quyết, nhưng 25 nước khác đã bỏ phiếu trắng hoặc hoàn toàn không bỏ phiếu.

Ông Putin cũng viết: “Nga sẽ tiếp tục hoạt động không ngừng nghỉ trong công cuộc tổ chức cung ứng ngũ cốc, lương thực, phân bón và nhiều hơn nữa tới châu Phi: Chúng tôi đánh giá cao châu Phi và tiếp tục linh hoạt trong phát triển các quan hệ kinh tế với các nước tại khu vực này”.

Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)