Ông Trịnh Văn Quyết và 24 người có đơn kháng cáo

Admin

Ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC kháng cáo giảm nhẹ về mức hình phạt và mức trách nhiệm dân sự.

Gần 2 tháng sau khi diễn ra phiên sơ thẩm vụ án liên quan đến Tập đoàn FLC, đến nay đã có 25/50 bị cáo gửi đơn kháng cáo, đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử vụ án theo trình tự phúc thẩm.

Phần lớn các bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin được hưởng án treo, xin được giảm trách nhiệm dân sự.

Cụ thể, bị cáo Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC kháng cáo xin giảm nhẹ về mức hình phạt và mức trách nhiệm dân sự áp dụng với bị cáo trong vụ án.

Ông Trịnh Văn Quyết và 24 người có đơn kháng cáo- Ảnh 1.

Ông Trịnh Văn QUyết kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Em gái của bị cáo Quyết là Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga đều kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và giảm nhẹ trách nhiệm dân sự của bị cáo trong vụ án, không yêu cầu bị cáo khắc phục hậu quả.

Trước đó, tại phiên tuyên án chiều 5/8, TAND Tp.Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết 21 năm tù về 2 tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Thao túng thị trường chứng khoán". 

Một số bị cáo khác kháng cáo xin giảm nhẹ mức án như, Trần Thế Anh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Faros kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xin giảm nhẹ hình phạt và xin được cải tạo tại địa phương.

Đỗ Như Tuấn - cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng FLC Faros - Công ty Faros kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và kháng cáo toàn bộ bản án…

Riêng bị cáo Lê Văn Tuấn - Kiểm toán viên Công ty CPA kháng cáo toàn bộ bản án, không đồng ý với nội dung và mức án mà bản án sơ thẩm đã quy kết cho bị cáo.

Trước đó, tại phiên sơ thẩm, ngay từ ngày đầu, ông Trịnh Văn Quyết đã thừa nhận toàn bộ hành vi được nêu trong cáo trạng. Tại phần trình bày của bản thân, cựu Chủ tịch FLC chỉ bày tỏ thái độ ăn năn, hối hận và tinh thần khắc phục hậu quả.

Từ vụ ông Trịnh Văn Quyết: Quy định gỡ phong tỏa tài sản thế nào?Diễn biến nổi bật tại phiên xét xử ông Trịnh Văn Quyết

Ông Quyết cho biết, kể từ khi bị bắt vào ngày 29/3/2022 về tội "Thao túng thị trường chứng khoán", bị cáo đã xác định số tiền bồi thường có thể lên đến gần 700 tỷ đồng. Trong khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo xin sớm dùng tài sản để khắc phục hậu quả.

Sau đó, bị cáo đã quyết định bán "đứa con tinh thần tâm huyết nhất" là hãng hàng không Bamboo Airway. Số tiền hơn 200 tỷ đồng thu được đã được gia đình khắc phục, còn 500 tỷ đồng sau khi được đối tác thanh toán cũng sẽ được nộp ngay vào tài khoản tạm giữ của cơ quan chức năng.

Như vậy, bị cáo xác định sau khi bán xong hãng hàng không Bamboo Airway đã khắc phục được hậu quả cho tội "Thao túng thị trường chứng khoán". Tuy nhiên, trong năm 2023, ông Quyết tiếp tục bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Do đó, bị cáo sẽ dùng toàn bộ tài sản cá nhân đang bị phong tỏa để khắc phục hậu quả. Ông Trịnh Văn Quyết cũng tiết lộ số tài sản "đóng băng" ước tính gần 5.000 tỷ đồng. Đây là toàn bộ tài sản tích lũy trong hơn 20 năm lập nghiệp.

Tại phiên sơ thẩm, sau khi các luật sư bào chữa đề nghị HĐXX xác định lại số bị hại và số tiền bồi thường, vì có nhiều người lập nhiều tài khoản, trùng tên… thì đại diện VKS đã tiến hành rà soát lại.

Sau rà soát, VKS xác định bị hại trong vụ án giảm từ hơn 30 nghìn người xuống còn hơn 25 nghìn người, số tiền ông Quyết phải bồi thường giảm từ 3.600 tỷ đồng xuống còn 1.700 tỷ đồng.